Hôm nay,  

Cư Dân Ở Khu Sản Xuất

08/06/199900:00:00(Xem: 6697)
Bạn,
Theo thống kê sơ khởi của liên sở Lao động-Công nghiệp CSVN Sài Gòn, toàn thành phố Saigon hiện đang có tới 25 ngàn địa điểm sản xuất có sử dụng nồi hơi, riêng quận 11 và quận Tân Bình có đến 10 ngàn địa điểm. Phần lớn nồi hơi đều thiếu thiết bị an toàn, có thể nổ tung gây thương vong cho công nhân sở sản xuất và cư dân trong khu vực quanh khu sản xuất. Tiếp xúc với các toán kiểm tra về an toàn lao động, rất nhiều cư dân "lỡ" sống trong những khu dân cư tập trung nhiều cơ sở sản xuất có sử dụng nồi hơi, đều cho biết họ nơm nớp lo sợ tai họa đến với họ bất cứ lúc nào. Tại các quận 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh, hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ thuộc các nghề độc hại, nguy hiểm: hàn hơi, dệt nhuộm, cao su... Chỉ riêng phường 19, quận Tân Bình, cách đây hơn 1 tháng, đã xảy ra một vụ nổ nồi hơi và một vụ cháy, gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản của cư dân trong khu vực. Còn tại nhiều phường thuộc quận 11 Sài Gòn, nơi tập trung nhiều cơ sở dệt, cư dân cũng đã ở trong tình trạng báo động như ghi nhận sau đây của báo Sài Gòn ghi nhận như sau:
Tại khu giáo xứ Phú Bình thuộc phường 5, quận 11, trong những con hẽm nhỏ ngoằn ngoèo là hàng trăm cơ sở dệt nhuộm đan xen chằng chịt trong khu dân cư. Nơi đây được người địa phương mệnh danh là "khu công nghiệp nhuộm". Một phần vì một khối lượng vải từ nơi đây đưa đi miền Bắc và cả nước ngoài. Một phần vì hầu như suốt ngày đêm những cỗ máy thi nhau hoạt động hết công suất. Trong cái nóng hầm hập và tiếng máy rền rĩ, không gian ngột ngạt, những người thợ trần lưng làm việc. Anh T., một cư dân trong phường, cho biết: Có những cơ sở chỉ cách nhà dân 1,5 mét. Người dân sống sát nách với những nồi hơi tự chế, không biết phát nổ lúc nào.

Theo các chuyên viên Ban Thanh tra an toàn Sở Lao Động Thành Phố, có rất nhiều những "vệt đen" nguy hiểm như vậy trong nội thành. Quận Tân Bình có 3 phường trọng điểm là 18, 19, 20. Những lò nhôm, lò xi, cơ sở cao su suốt ngày phả ra khí độc; nước thải từ những cơ sở nhuộm làm ô nhiễm nặng những dòng kênh. Nhiều người dân nói: Chúng tôi làm đơn thưa mãi, trên xuống kiểm tra thì ngưng vài bữa, rồi đâu lại vào đấy. Còn tại Bình Thạnh, đoàn kiểm tra của TPHCM đã phải lắc đầu, rùng mình vì một cơ sở may gia công "ba trong một": vừa làm nơi ở, vừa làm nơi sản xuất và làm kho. Vải vóc, phụ liệu chất đầy trên các lối đi. "Lỡ xảy ra hỏa hoạn là hết đường thoát thân", cán bộ cơ quan phòng cháy chữa cháy khẳng định như vậy. Anh Thanh Dũng, ngụ phường 18, quận Tân Bình cho biết thêm: "Nhiều người kêu mãi không xong, đã gom góp tiền bạc tìm mua nhà chỗ khác. Chúng tôi nghèo, đành phải ở lại, cam chịu sống với hiểm nguy rình rập". Về chuyện di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư thì vấn đề kinh phí là cản ngại luôn được các chủ cơ sở nại ra để trì hoãn. Ngay cả những cơ sở có nguy cơ tai nạn cao, xử lý cũng đã không dễ dàng.
Bạn,
Cũng theo báo trong nước, đến nay, ban Thanh tra an toàn ngành Lao động CSVN Sài Gòn vẫn chỉ có thể kiểm tra khoảng 10% số cơ sở sản xuất, 90% còn lại không kiểm soát nào giám sát nổi. Tại quận Tân Bình, có trên 6 ngàn cơ sở thì hội đồng liên ngành của quận này mỗi năm chỉ có thể kiểm tra 150 trong số trên 6 ngàn cơ sở sản xuất trên địa bàn quận mà thôi! Và cư dân sống quanh các khu vực sản xuất sống trong tình trạng báo động 24/24 giờ!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.