Hôm nay,  

Vùng Đất Thuốc Nam

21/08/200300:00:00(Xem: 4676)
Bạn,
Việt Nam hiện nay chỉ còn làng Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là nơi còn giữ trọn vẹn nghề truyền thống trồng cây thuốc Nam từ cả ngàn năm nay. Dân gắn bó với nghề nhưng công bỏ ra không được trả thỏa đáng. Thị trường thuốc Nam bị lãng quên, dù đây là loại hàng chữa bệnh cứu người. Báo SGGP viết về vùng đất này như sau.
Theo sử sách ghi chép lại, làng trồng cây thuốc Nam là làng Nghĩa Trai có từ thế kỷ thứ 11. Làng cổ có tên là Trang Cổ Trai, sau đó gọi là làng Cổ Trai. Đến năm 1955, tỉnh Hưng Yên đã tách Cổ Trai thành 2 xã Nghĩa Trai và Trưng Trắc. Cho tới nay, cả hai xã đều trồng cây thuốc nam. Về truyền thống lâu đời của làng Nghĩa Trai, ông Trần An, người gắn bó với cây thuốc lâu năm cho biết: "Trước đây phía Bắc có 3 trung tâm dược liệu lớn là Chí Linh (Hải Dương); Ninh Bình và Nghĩa Trai (Hưng Yên). Giờ quê hương chúng tôi tự hào là nơi gìn giữ được nghề của ông cha truyền lại." Có thể khẳng định, Nghĩa Trai là đất hiền và chứa đựng những điều tốt lành. Một ngôi làng văn hóa của phần lớn người dân không ham làm giàu, có phong cách sống bình dị. Họ đặt tình nghĩa giữa con người với con người lên trên hết. Gia phả của làng ghi rõ con cháu đời đời phải ghi nhớ truyền thống cứu người và dạy người. Vậy nên mới có những năm dược liệu ế ẩm, nhưng người dân vẫn cứ giữ vững cái lề thói cũ trồng các vụ thuốc nam mỗi năm và họ coi đó là cuộc sống của chính làng quê mình. Ngoài nghề trồng thuốc, bốc thuốc, Nghĩa Trai còn là ngôi làng có học vấn cao. Riêng thôn ông An đang sống có 1.600 người, trong đó đã xấp xỉ 80 thầy, cô giáo.

Nghĩa Trai có một số gia đình bốc thuốc chữa bệnh gia truyền như ông Hởn, ông Tá, bà Tân. Bà Nguyễn Thị Tân kể: "Năm 13 tuổi, tôi đã mang thuốc Nam ra Hà Nội bán. Rồi sau lập gia đình, bố chồng tôi cũng mở hiệu thuốc ở Văn Giang (Hưng Yên). Nay tôi và chồng tôi bốc thuốc tại nhà. Mọi người ở các tỉnh về đây lấy thuốc ngày càng nhiều do họ ngày càng hiểu được công dụng của thuốc nam. Ưu điểm của thuốc Nam là giá thành rẻ và nhiều người khi khỏi bệnh nói rằng không bị trạng thái mệt mỏi, không độc hại và không có phản ứng phụ. Thuốc nam còn chữa được các bệnh hiểm nghèo về gan, thận. Chúng tôi có câu nói truyền miệng nam đánh giặc, bắc lập công, nghĩa là thuốc nam dùng để chữa bệnh, thuốc bắc dùng để bồi bổ cơ thể." Người làng Nghĩa Trai đi tứ xứ hành nghề nhưng họ luôn có một ý thức hướng về quê nhà. Do vậy, trên biển hiệu chữ đầu tiên luôn phải là chữ Nghĩa, ví dụ như: Nghĩa Hưng; Nghĩa Hoàng; Nghĩa Hiệp. Và dù ở đâu họ cũng giữ được chữ tín cho làng Nghĩa Trai. Ông An nói: "Cho đến giờ, người làm nghề bốc thuốc đã thoát ly khỏi làng hơn một nửa. Chỉ riêng ở Hà Nội đã có 103 gia đình tập trung ở phố Lãn Ông, Hàng Cân."
Bạn,
Cũng theo SGGP, khi nói về vấn đề tiêu thụ nguồn dược liệu của làng mình, ông An nói: "Khó khăn nhất của làng là khâu tiêu thụ. Kỳ lạ là không cơ quan nhà nước nào đứng ra giúp. Như mới đây thôi có một cơn sốt dược liệu ở thành phố SG, nhưng theo phân tích của chúng tôi thì đó chỉ là cơn sốt giả. Cây xương chuột lên tới 80 ngàn-90 ngàn đồng/kg. Trong khi tại Nghĩa Trai giá vẫn giữ ở mức 12 ngàn đồng. Cùng thời điểm đó, thị trường thuốc ở đây vẫn bình yên vô sự. Bên cạnh đó, thực trạng đi đường vòng của dược liệu cũng là vấn đề đáng nói. Nghĩa là, dược liệu tại làng được sơ chế tại làng, để xuất sang Trung Quốc tinh chế rồi lại quay về Việt Nam."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.