Hôm nay,  

Đổ Về Sài Gòn Kiếm Sống

06/03/200400:00:00(Xem: 5236)
Bạn,
Từ 6 giờ mỗi sáng, tại các bến xe miền Đông, Tây Ninh, miền Tây... nơi cửa ngõ thành phố Sài Gòn nhộn nhịp khác thường bởi dân lao động trẻ tứ xứ đổ về. Hành trang của họ chỉ gói gọn trong chiếc giỏ xách và bộ hồ sơ xin việc. Dân chạy xe ôm tại bến xe miền Đông đã cho kể cho phóng viên nghe gần một tháng nay họ vừa làm tài xế kiêm luôn cả hướng dẫn viên tìm chỗ trọ, dịch vụ việc làm cho dân lao động xin việc. Báo TT viết như sau.
Số người vào thành phố tìm việc làm thường tăng đột biến vào tháng 2, 3 do tập quán muốn tìm một việc làm mới dịp đầu năm. Đi, với một khái niệm mơ hồ về công việc: ''làm gì cũng được'' nên sau khi nhận ra thực tế khá phũ phàng thì phần lớn đã hết tiền. Một buổi sáng , tại phố việc làm đường CM Tháng Tám (gần công viên Lê Thị Riêng) anh Lê Văn Tuấn,- xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vào thành phố từ mồng 5 tết để tìm việc làm, buồn rầu cho biết: ''Tính vào Sài Gòn khoảng một năm kiếm số vốn về quê mở tiệm sửa xe. Mấy ngày nay tôi đi muốn rạc cẳng khắp các trung tâm cung ứng việc làm mà cũng chưa tìm được công việc thích hợp. Việc làm đơn giản thì cần phương tiện đi lại, hộ khẩu thành phố...; nơi lại đòi bằng cấp chuyên môn mà tôi mới học đến lớp 9 nên chịu. Số tiền mang theo cũng chỉ cầm cự được mươi ngày nữa thôi''...

Tại văn phòng Công ty thương mại - dịch vụ lao động TT (P.18, Q.Tân Bình), một nhóm hơn 10 thanh niên tay xách nách mang balô, túi xách chen chúc bước lên chiếc xe con đậu sẵn. Ngô Minh Luân - 17 tuổi - ở lại với vẻ mặt thiểu não cho biết: ''Họ là bạn em đấy. Ở Cần Thơ lên đây từ 7/2, sau khi được hứa hẹn có ngay việc làm với mức lương 900 ngàn đồng/tháng ở một công ty giấy nhưng mãi đến tối 18-2 công ty mới trả lời ''công ty chưa tuyển đợt mới''. Số tiền mang theo đã cạn sạch trong mấy ngày nằm chờ việc nên nhiều người phải chấp nhận đi làm ở một xí nghiệp ván mỹ nghệ với mức lương 15 ngàn đồng/ngày bao ăn một bữa để cầm cự''. Riêng Luân và vài người bạn xin lại số tiền làm thủ tục từ 10 giờ - 16 giờ vẫn chưa được vì ''công ty đã giải quyết việc làm khác thay thế mà người lao động không chấp nhận''. Trong túi không còn một đồng, nhóm bạn tâm sự: ''Đừng nói chuyện về quê, bây giờ tiền đâu để ăn cơm, tối nay sẽ ngủ ở đâu bọn tui còn chưa biết nữa''.
Trước văn phòng trung tâm, dịch vụ giới thiệu việc làm những tháng đầu năm dễ dàng nhận thấy nhiều đôi mắt quầng sâu, khuôn mặt mòn mỏi vì chờ đợi của những bạn trẻ lần đầu đến thành phố tìm việc. Ở quê thất nghiệp, đã trót vào Sài Gòn ít ai đành lòng trở về với bàn tay trắng nên chấp nhận ở lại ''cày'' bằng mọi giá. Đây cũng chính là điểm yếu mà một số chủ doanh nghiệp lợi dụng để bóc lột sức lao động. Tại các xí nghiệp may, xưởng giày... chuyện tăng ca từ 7h30 đến hơn 22h là quá bình thường.
Bạn,
Cũng theo TT, lao động ngoài tỉnh đổ bộ vào thành phố ngày càng nhiều, mức độ cạnh tranh lao động cùng giá ngày công ngày càng gay gắt. Báo TT phân tích rằng từ hiện trạng này, sự hội nhập đòi hỏi không chỉ sức lao động mà còn là sự chuẩn bị sẵn sàng về thông tin, kiến thức, khả năng tiếp cận và thích ứng nhanh trong môi trường mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.