Hôm nay,  

Người Không Chạy Lũ

20/11/200100:00:00(Xem: 4377)
Bạn,
Hàng năm, hầu hết cư dân trong khu tứ giác Long Xuyên ở miền Tây đều phải chạy lũ. Thế nhưng, tại An Giang, các gia đình của người sắc tộc Chăm vẫn không bao giờ chạy lũ. Báo Tuổi Trẻ cho biết ở An Giang có trên 1 vạn người Chăm, tập trung thành những ấp hay liên ấp, xen kẽ trong những làng xã của người Kinh, từ biên giới VN-Căm Bốt rải rác chạy dài theo dòng Hậu Giang và sông Khánh Bình rồi đổ xuống đến xã Khánh Hòa, Châu Phú. Những ngôi nhà của họ khá kiên cố, chịu được với những trận cuồng lũ. Phóng viên báo TT đã viết về người Chăm trong mùa lũ qua đoạn ký sự như sau.

Từ biên giới ngược về Châu Đốc, dù nằm thọt lỏm trong lũ nhưng nhìn từ trên con lộ những mái vòm của thánh đường La Ma, Châu Giang...vẫn hiện lên đẹp lộng lẫy. Quây quần bên các thánh đường là những ngôi nhà sàn nằm lấp xấp trên mặt nước, cọc chìm sâu phía dưới. Bốn bề là nước nhưng mọi hoạt động trong nhà của người Chăm đều diễn ra bình thường. Người Chăm rất tiết kiệm trong chi tiêu nên nhà cửa làm bằng gỗ tốt, lợp ngói. Những người già mà phóng viên gặp đều nói rằng dù nhà ngói hay nhà lá đều làm nhà sàn cao (trên dưới 4 mét) để mùa nước nổi không bị ảnh hưởng, đồng thời mùa khô nắng tầng dưới trở thành nơi làm kho cất giữ lúa gạo, nơi phụ nữ ngồi dệt vải (một nghề chính truyền thống của người Chăm). Đó cũng là nơi để xe bò, cày (xưa) hoặc xe đạp, Honda (nay). Nhiều người cũng quan niệm làm nhà cao như vậy mùa khô mát mẻ hơn và không nằm sát mặt đất nên nhà cửa luôn sạch sẽ.

Phóng viên TT đã đến thăm xóm Chăm ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành. Đây là một làng thuộc vùng tứ giác Long Xuyên. Bốn bề là đồng trống, nước mênh mông như biển nhưng nhà cửa nằm cặp theo bờ đất đắp cao bên con kênh nhỏ đều mang vẻ an bình. Phóng viên theo đường đất đến nhà ông Mách Nô, phó cả chùa xóm Chòm, một trong những căn nhà được xem làm theo đúng mẫu nhà Chăm nhất. Nhà có bốn mái, đặc điểm dễ nhận thấy nhất của nhà Chăm, lợp ngói hay lợp tranh, có hiên trước, hiên sau. Mỗi hiên đều có cầu thang bắc dựa dốc. Đang lũ cao nên hiên trước nhà cũng đã mấp mé. Hiên thường rộng 1.5 mét-2 mét, bề dài theo chiều ngang nhà. Ông Mách Nô chỉ tay ra đồng: Người Chăm sống ven kênh rạch nên chỉ cần một cơn lốc là tiêu tan hết, vì vậy ai cũng cố gắng làm căn nhà vững chải để chống chọi với sóng to gió lớn. Và không chỉ vậy, căn nhà đó còn để dành lại cho con cháu sau này. Chỉ ai không có tiền mới làm bằng cây tạp nhưng thường cứ dông gió chịu không nổi, sang mùa sau phải làm lại. Mùa nước năm 2000, giữa mưa gió ông Mách Nô là người đã chống xuồng đi đón bọn trẻ khắp xóm đến nhà mình để an toàn hơn. Người Chăm trong một phường thường giúp nhau làm nhà dần công, không lấy tiền. Những nhà giàu hơn làm cột gỗ, nhà ngói...mới thuê thêm thợ chuyên môn. Nhà dân xây cất cũng không coi bói, ngày, hướng gì. Không cúng kiếng nhưng khi làm nhà lớn, trước lúc dựng cột, dưới mỗi cây cột người Chăm đều để vài ba hột đậu xanh, bí; người giàu có để thêm một ít vàng, rồi dựng cột đè lên với hàm ý mát mẻ cho gia đình sinh sống làm ăn.

Bạn,
Nhiều người mà phóng viên tiếp xúc ở An Giang đều nhận xét rằng nói về nhà cửa thì người Chăm ở An Giang đã "đi trước một bước" so với người Kinh ở đây bởi hầu như những ngôi nhà của họ không bị phụ thuộc vào lũ, và họ không bao giờ chạy lũ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.