Hôm nay,  

Sức Người Bị “gặm Nhấm”

18/04/200000:00:00(Xem: 6862)
Bạn,
Trong một cuộc hội thảo mới đây về “bảo hộ lao động trong công nghiệp”, tổ chức tại Sài Gòn, một số nhà chuyên môn đã lên tiếng báo động về hiện trạng sức lao động của công nhân đang bị gặm nhấm, mà nguyên nhân là môi trường làm việc. Tường thuật nội dung buổi hội thảo này, báo Phụ Nữ ghi lại như sau.

Báo cáo của Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường Sài Gòn, theo đó, trong năm 1999 có 28,806 công nhân, trong đó có 16,383 nữ được 99 doanh nghiệp đưa đến khám sức khỏe định kỳ tại trung tâm. Kết quả, có 9.039 công nhân mắc các bệnh về mắt. Số mắc các bệnh tai mắt mũi họng là 9,729, răng hàm mặt là 4,043, da liễu: 5,683, ngoại khoa: 3,505, nội khoa: 8.181 người. Đặc biệt, có 43.7 lao động nữ mắc các bệnh phụ khoa.

Khoa Bảo hộ Lao động trường đại học Công nghệ cũng công bố kết quả nghiên cứu của ông trên 246 lao động nữ làm việc trên chuyền may về trạng thái tâm lực: 63% lao động nữ mệt mỏi, uể oải; 60.6% nặng đầu; 61.8% căng thẳng. Về trạng thái trí lực: 60.9% khó suy nghĩ, 52.8% khó diễn đạt, 61.4% khó nhận thức. Về thể lực: 76% đau thắt lưng và 72.7% đau vai, cổ. Nguyên nhân của những bệnh và triệu chứng nêu trên là do môi trường làm việc, điều kiện làm việc không được bảo đảm và chưa được quan tâm cải thiện. Năm 1999, khảo sát ở 447 xí nghiệp trên địa bàn thành phố Sài Gòn, Trung tâm Sức khỏe Lao động Môi trường đã kết luận: hầu hết các xí nghiệp đều không đạt chuẩn về các yếu tố môi trường. Cụ thể: 40.88% xí nghiệp không đạt chuẩn về ánh sáng, 11% không đạt chuẩn về mức độ ồn và 11.6% không đạt chuẩn về nồng độ bụi. Trong khi môi trường không bảo đảm vệ sinh, bất lợi cho sức khỏe thì lao động nữ (ngày may, điện tử, đóng giày) lại phải làm việc với cường độ dồn dập, thời gian kéo dài 10-12 giờ/ngày, diện tích cá nhân chật hẹp, dưới 1 mét vuông/người.

Theo các chuyên viên phân viện Bảo hộ Lao động, qua nghiên cứu ở 340 cơ sở sản xuất, có đến 93% cơ sở không có quy trình vận hành an toàn thiết bị máy móc, 90% cơ sở không có kế hoạch, công trình bảo hộ lao động, 81% không khám sức khỏe cho công nhân, 98% cơ sở có cùng lúc nhiều môi trường vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Trong nền kinh tế thị trường, giá thành sản xuất là điều kiện tiên quyết cạnh tranh, tồn tại. Chi phí cho việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong giá thành, vì nếu các đơn vị thực hiện đúng các quy định, thì sẽ không thể cạnh tranh nổi với các đơn vị không tuân theo luật lệ. Lâu nay, khi xảy ra tình trạng mất an toàn nghiêm trọng trong lao động, thì chỉ có chủ doanh nghiệp bị quy trách nhiệm. Theo viên phân viện trưởng Bảo hộ Lao động, lẽ ra, đối với các vụ nghiêm trọng, các xếp đầu ngành, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố đều phải liên đới chịu trách nhiệm.

Bạn,
Nhận xét tổng quát về tình trạng công nhân không được bảo vệ an toàn lao động, một số chuyên viên cho rằng từ trước đến nay, các cơ quan về quản lý lao động chỉ bận tâm đến việc thống kê những tai nạn lao động gây thương tích và chết người có thể thấy được, trong khi thực tế còn một loại tai nạn khác gây chết mòn người lao động: đó là môi trường và điều kiện làm việc khắc nghiệt mà đa số công nhân phải hứng chịu từng giờ, từng ngày ở nhà may, nơi công trường...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.