Báo KTSG ghi lại ý kiến của giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng mối quan ngại lớn nhất của ông và một số đồng nghiệp trong giới ngân hàng trong nước là họ sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh với nguồn tài chính dồi dào và dày dạn kinh nghiệm. Hiệp định Thương mại quy định rõ, sau chín năm kể từ khi có hiệu lực, các ngân hàng thương mại Mỹ có thể lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại VN. Trong thời gian 9 năm ân hạn cho các ngân hàng VN đó, các ngân hàng Mỹ có thể thành lập ngân hàng liên danh với đối tác trong nước. Vị giám đốc này nói: Khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực, không phải chỉ có ngân hàng Mỹ mới vào VN hoàn toàn theo cách của họ, mà tất cả các ngân hàng của những quốc gia khác là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới cũng có lợi thế này. Trong khi chờ đợi, rất có thể họ sẽ lập thêm vài ngân hàng liên danh mới. Theo ông, hình thức liên doanh này có thể là một thuận lợi vì "đối tác trong nước đã cắm rễ vào thị trường nay có thêm nguồn lực tài chính, cộng thêm các công nghệ, dịch vụ mới được chuyển giao từ đối tác bên ngoài, một ngân hàng liên doanh Mỹ rất đáng gờm đối với các ngân hàng nội địa.
Tuy nhiên, ông Mike Temple, tổng giám đốc chi nhánh ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) tại Việt Nam, cho rằng các ngân hàng trong nước không nên quá lo ngại về điều này vì sẽ không có thêm nhiều ngân hàng vào đây. Vị tổng giám đốc này nói: "Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay thì nơi đây không có đủ chỗ cho nhiều ngân hàng nước ngoài." Theo ông Temple, đích ngắm hiện nay của nhiều ngân hàng nước ngoài là TQ chứ không phải Việt Nam.
Cũng theo báo KTSG, ở một góc độ khác, ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, khẳng định dù có thêm bao nhiêu ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam, các ngân hàng trong nước cũng sẽ phải đương đầu với những khó khăn trong tương lai. Những điều khoản liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong Hiệp định Thương mại đang tháo bỏ dần hàng rào bảo hộ của ngân hàng trong nước. Sau 10 năm nữa, mọi ngân hàng trong nước và ngoài nước sẽ có môi trường kinh doanh cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng, và như thế các ngân hàng còn không được hưởng những biệt lệ.
Bạn,
Báo KTSG ghi nhận thêm rằng trước một cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi trước mặt, giới ngân hàng trong nước phải lo chuẩn bị. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương, cho biết ngân hàng của ông đang trình lên chính phủ CSVN một kế hoạch cải tổ toàn diện để có đủ sức đối đầu với những thách thức sắp tới. Trong đề án cải tổ này, Ngân hàng Công thương đề nghị được tăng thêm vốn tự có lên 5,500 tỉ đồng đến 6,000 tỉ đồng trong vòng năm năm mới. Các ngân hàng quốc doanh khác cũng đã đề ra chiến lược tái cấu trúc lại ngân hàng mình. Về ngân hàng cổ phần, theo ý kiến của một vị tổng giám đốc Ngân hàng thì các ngân hàng thương mại cổ phần phải sát nhập với nhau thì mới có thể tồn tại.