Hôm nay,  

Điện Tử Vn Khốn Đốn

01/05/200200:00:00(Xem: 4357)
Bạn,
Như VB đã loan, trong vài năm nữa, một số công ty Nhật tại VN sẽ đóng cửa nhà máy và di dời sang một số nước ở Đông Nam Á, hoặc sang Hoa Lục. Đây là những liên doanh với các hãng VN. Nguyên nhân chính là các nhà máy đã hết hạn hợp đồng và không muốn xin gia hạn thời gian hoạt động do môi trường kinh doanh ở VN yếu kém so với các nước khác trong khối ASEAN. Thêm vào đó, VN sắp tham gia thị trường chung Đông Nam Á khiến cho tình hình cạnh tranh trên thị trường VN quyết liệt hơn khi mà các sản phẩm của các nước trong khu vực tràn vào với mức thuế suất ưu đãi. Sự kiện các công ty rút khỏi VN sẽ gây nhiều khó khăn cho các hãng VN đã góp vốn liên doanh. Báo KTSG đã nêu ra trường hợp 4 hãng Nhật sắp chia tay với đối tác VN như sau.

Trong 9 liên doanh của Tổng Công ty Điện tử và Tin học VN, có 4 dự án lắp ráp hàng điện tử liên doanh với các hãng Sony, JVC, Matsushita và Toshiba. Gần như chắc chắn cả 4 công ty này sẽ đóng cửa nhà máy ở VN sau khi hợp đồng liên doanh hết hạn. Một quan chức Tổng Công ty Điện tử và Tin học VN tiết lộ như vậy. Ngay từ khi xin phép lập nhà máy lắp ráp ở Việt Nam, các công ty Nhật đã tính đến thời điểm đóng cửa những nhà máy này. Không phải ngẫu nhiên mà cả 4 hãng này đều xin thời hạn hoạt động cho liên doanh chỉ có 10 năm, ngắn hơn nhiều so với các dự án tương tự của Nam Hàn và một số công ty Nhật khác như Sanyo, Fujitsu. Với thời hạn đó, các liên doanh của Sony, JVC, Matsushita và Toshiba sẽ lần lượt chấm dứt hoạt động trong khoảng từ năm 2004 đến 2006, sớm hơn một chút hoặc đúng vào lúc VN gia nhập hoàn toàn vào khu tự do thương mại ASEAN.

Cán bộ quản lý Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam làm việc trong liên doanh phân tích, các công ty Nhật liên doanh mở nhà máy lắp ráp là để lách chính sách thuế nhập cảng nhằm củng cố thị phần ở VN. Với mức thuế từ 40% trở lên, hàng điện tử nguyên chiếc hoặc hàng dưới dạng cụm linh kiện nhập vào Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với hàng lắp ráp trong nước vì thuế nhập cảng linh kiện rời không đồng bộ chỉ có 7% đến 15%. Cho đến nay, các công ty Sony, JVC, Matsushita, Toshiba vẫn chưa tuyên bố chính thức ý định đóng cửa nhà máy ở VN sau khi liên doanh hết hạn hoạt động. Họ vẫn muốn chờ đến giờ chót xem VN có chính sách gì đặc biệt trong ngành sản xuất này không. Quan trọng hơn là họ sợ nhân viên VN sẽ hoang mang và những người giỏi sẽ rời công ty khi họ công bố ý định đóng cửa nhà máy. Theo ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện tử và Tin học VN xét về hiệu quả kinh doanh, việc các công ty điện tử Nhật muốn đóng cửa nhà máy ở Việt Nam là dễ hiểu. Điện tử là ngành tự động hóa cao nên giá nhân công rẻ hầu như không mang lợi thế cạnh tranh cho công ty, mà sức cạnh tranh nằm ở khả năng sản xuất và cung cấp linh kiện với số lượng lớn. Ngành sản xuất linh kiện VN còn rất kém, giá sản phẩm lại cao hơn nhiều so với linh kiện nhập.

Bạn,
Cũng theo KTSG, một chuyên viên thị trường phân tích rằng chỉ cần thuế nhập hàng điện tử nguyên chiếc giảm xuống 15% đến 20% vào năm tới (theo lộ trình gia nhập AFTA), giá hàng lắp ráp trong nước đã không còn rẻ hơn hàng nhập. Đến khi thuế giảm xuống 0% đến 5% vào năm 2006, ngành điện tử Việt Nam sẽ càng khó cạnh tranh hơn. Và khi các hãng Nhật ra đi, các hãng VN trong liên doanh sẽ khốn đốn vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.