Hôm nay,  

Nhật Ký Của 1 Phó Xã

22/08/200000:00:00(Xem: 5028)
Bạn,
Nhà Bè là một trong những huyện ngoại thành của Sài Gòn, huyện có xã Hiệp Phước được ghi nhận là nghèo nhất. Hiện ở xã này có hơn 600 hộ dân lâm vào cảnh khốn cùng về mọi mặt. Một viên phó chủ tịch xã đã phải thừa nhận sự bất lực của địa phương trước những hoàn cảnh bi thảm của dân trong xã qua vài đoạn nhật ký được phổ biến trên báo Người Lao Động với nội dung như sau.

Đoạn nhật ký thứ nhất: Hôm nay chi cục bảo vệ thực vật của huyện xuống phân phát thuốc trừ sâu cho bà con nông dân. Lại có thêm 15 ha lúa bị nhiễm sâu rầy nặng, 95% người dân trong xã sống bằng nghề làm ruộng, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng từ năm 1998 đến nay, liên tục hạn hán, sâu rầy, nước mặn, mùa màng gần như mất trắng. Nông dân lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều gia đình không lo nỗi bửa ăn. Thậm chí có hộ đem bán cả tủ thờ. Năm nay, bà con lại phải đi làm thuê, làm mướn, bắt còng, bắt cá để có cái ăn. Có lẽ vì vậy mà xã tôi hiện có tới 617 hộ có mức thu nhập khó mà tưởng tượng được: 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/năm. Tính ra mỗi ngày thu nhập mỗi người chỉ chừng 2 ngàn đến 3 ngàn đồng/người. Riêng trong năm 1999, có tới 436 nhân khẩu phải cứu đói thường xuyên. Bác Phạm Văn Quân ở ấp 3, người đã gắn bó với mảnh đất này từ lâu cũng ngậm ngùi than thở: Không hy vọng gì ở cây lúa, giờ chỉ mong sớm công nghiệp hóa để bán đất mà đi.

Đoạn nhật ký thứ hai: Một giếng nước công nghiệp được khởi công xây dựng, cả xã mừng như trúng số, dù giếng nước này cũng chỉ đủ xài cho khoảng 20% dân trong xã. Còn hơn phải dùng nước sông, nhiều khi uống đắng cả lưỡi vì bị nhiễm mặn. Một công ty lại đến xã để tuyển nhân viên. Cũng như bao lần khác, người ta đòi hỏi mà chúng tôi không có: đó là trình độ văn hóa. Dân Hiệp Phước chỉ có vài người được làm việc cho Khu Công nghiệp Hiệp Phước. Mà đâu có được là nhân viên làm việc ở phòng máy lạnh gì cho oai, chủ yếu là lao động giản đơn. Toàn xã chỉ có ba người học đại học, lấy đâu ra tài năng cung cấp cho khu công nghiệp.

Đoạn nhật ký thứ ba: Buổi chiều chúng tôi đến khu Mương Lớn, ấp 2 thăm bốn đứa con nhà chị Châu Thị Ngọc Vĩnh. Nhìn các cháu đang cặm cụi học bài dưới những ngọn đèn dầu leo lét, tôi chợt nghĩ tới hình ảnh trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi ngày xưa bắt đom đóm làm đèn để học, chỉ khác là 4 đứa con của chị phải tranh thủ học bài cho kịp để còn chút nữa còn phải ra ruộng soi ròng. Nghĩ mà đau lòng khi trên địa bàn xã có nhà máy điện Hiệp Phước với tổng công suất 675 MW, nhưng láng giềng của nó là 200 hộ dân chưa biết ánh sáng điện là gì. Ở khu vực này làm gì có đường để trồng cột điện. Nhìn những ngọn dầu tù mù hắt ra từ nhà dân gần bên nhà máy điện to đùng, tôi thấy mình còn mắc nợ với dân quá nhiều.

Bạn,
Phần cuối của đoạn nhật ký thứ ba, viên phó chủ tịch xã nói trên đã ghi nhận về thực trạng học hành và vui chơi của trẻ em như sau: Ở khu Mương Lớn này, hơn một ngàn trẻ ngoài giờ đến trường còn phải làm việc quần quật ngoài ruộng đồng để phụ giúp gia đình. Đứa nào đứa nấy áo quần vá chằng vá đụp, thân hình gầy guộc khẳng khiu, da đen nhẻm, tóc vàng hoe, đôi chân nứt nẻ chưa một lần mang dép. Mà muốn vui chơi cũng chẳng được, toàn xã chẳng có một khu vui chơi dành cho trẻ em. Dân trong xã muốn đi học cũng không phải dễ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cậu học sinh Nguyễn Ngọc Ngà ở ấp 4 trong năm 1999 nhận được 2 giấy báo vào hai trường đại học. Hôm ấy Ngà khóc thật nhiều vì mừng và vì không biết kiếm đâu ra tiền để học, rất may có anh Tám Điền đã bỏ tiền túi để Ngà được đến trường...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.