Hôm nay,  

Những Chợ Rau Đêm

13/12/199900:00:00(Xem: 5160)
Bạn thân,
Bạn còn nhớ một thời, những học trò Miền Nam chúng ta học văn chương Tự Lực Văn Đoàn, biết về những bà mẹ Lê tần tảo nuôi con, nhìn trên trang giấy những ngôi chợ Miền Bắc với từng con người chất phác, lam lũ nhưng cũng đầy sương khói thơ mộng. Bây giờ chúng ta đã có thể chứng kiến được những hình ảnh văn chương đó, bởi vì các chợ rau đêm vẫn họp tại nhiều vùng quanh Hà Nội. Cũng những người chất phác, lam lũ như các nhân vật trong truyện. Để tôi trích một vài đoạn từ báo Nhân Dân cho bạn nhìn được một mặt khác của quê nhà.

Bài báo bắt đầu bằng những dòng chữ rất là thơ mộng:
“Thành phố về đêm có những chợ rau họp lặng lẽ. Người mua, kẻ bán đều là những nông dân ven đô tần tảo và lam lũ. Sớm mai khi tan chợ, người bán trở lại cánh đồng, người mua rong ruổi bán lại hàng nơi góc phố. Chợ rau đêm, một sinh hoạt đậm nét hồn hậu của Hà Nội xưa và nay.”

Và bây giờ là nhân vật chính, một bà cụ 70 tuổi nhưng vẫn gánh rau nửa đêm ra chợ, một thói quen của cụ từ hơn nửa thế kỷ nay:
“Người làng Láng gọi bà theo tên chồng: Bà Đặng Thị Thìn. Ở tuổi gần bảy mươi nhưng nom bà còn nhanh nhẹn lắm. Da mặt và bàn tay nhăn nheo, thô ráp song nét duyên một thuở còn đọng với nụ cười lộ hàm răng đen, đều đẹp nhuộm từ thời mười tám, đôi mươi. Giữa khuya yên ả, lất phất mưa rơi, cạnh gánh rau của bà có chiếc lò sưởi xếp gọn những viên than ngun ngún lửa hồng, ấm một góc chợ.

“Một giờ sáng, gió bấc thổi cái lạnh se sắt vào khu chợ trống trải. Vài chị khăn trùm kín đầu xúm quanh lò than giơ những bàn tay tê cóng. Mấy thanh niên chen chúc trong nhà chờ xe buýt ngủ ngon lành. Phố xá trong giấc ngủ tĩnh lặng, thi thoảng mới có chiếc ô-tô lao vào đêm, vội vã. Bà Thìn cầm chiếc cối đồng nhỏ xíu, chầm chậm nghiền trầu, giọng kể thủng thẳng. Những ký ức từ thuở xa xưa như ùa về trong câu chuyện. Bà bắt đầu đi chợ rau đêm từ năm lên mười ba tuổi. Làng Láng lúc đó là ngoại ô, ao chuôm ếch nhái oàm oạp kêu, cả làng sống bằng nghề trồng rau. Canh ba, con gái làng í ới gọi nhau gánh rau kẽo kẹt lên chợ Đồng Xuân. Ngày đó, chợ đêm mở phía ngoài các chợ Đồng Xuân, chợ Mơ và chợ Bưởi. Hà Nội bây giờ mở rộng hơn xưa hàng chục lần. Mỗi khi thành phố mở rộng, chợ rau đêm lại lùi về ven đô, người mua, người bán tự tìm nơi mở chợ. Bà Thìn chưa bao giờ đi đến những miền quê khác. Cuộc sống của bà gắn liền với đất, rau và những buổi chợ đêm. Bây giờ, ở Láng không còn nhiều người đi chợ rau đêm. “Luồng gió” đô thị hóa qua làng, biệt thự, nhà lầu mọc lên san sát, làng giờ là phố Láng. Cơn sốt đất cách đây vài năm khiến những vườn rau ngày càng thu hẹp. Khi các con bán đất, bà Thìn dành lại vài chục mét vuông để “nhúc nhắc chân tay”. Mỗi ngày chỉ hái được dăm chục mớ rau, nhưng với bà, đi bán ở chợ đêm thành nếp, gắn bó không sao bỏ được. Có người ngăn bà: “Già rồi chẳng chịu nghỉ ngơi, đi thế khổ quá!”, bà chỉ cười và bảo: “Đi bán thế này mới vui, không đi đến giờ có chợ lại tỉnh giấc, bứt rứt thế nào ấy. Chừng nào trời không cho mạnh chân khỏe tay thì đành chịu”. Bà đến chợ, người già có miếng trầu ăn sớm cho ấm bụng, các cô, các chị cùng bà trò chuyện tâm tình vơi nỗi nhọc nhằn. Hình ảnh bà cụ răng đen hạt huyền và lò than hồng những buổi giá rét thành quen thuộc với người đến chợ rau đêm Cầu Giấy. Trong ánh mắt, giọng kể của bà, cuộc sống ở chợ đêm lặng lẽ và hồn hậu giữa dòng đời náo nhiệt.”

Và bây giờ, sau phần tả nhân vật chính thì tới nhân vật phụ và phần tả cảnh với âm thanh, hình ảnh của những đời cơ cực:


“Hai giờ sáng, chợ bắt đầu rôm rả, lao xao tiếng mời chào. Người bán người mua không tỏ mặt nhau nhưng chẳng thấy mấy ai nói thách hay mặc cả. Khách quen nhau qua giọng nói. Tưởng như phiên chợ của mấy chục năm trước, một trăm đồng gọi một xu, rồi một, hai, ba, bốn, năm, sáu... là “chách, lái, thêm, chớ, kẹo, mục...”. Tiếng thì thầm, lầm rầm trong lờ mờ ánh đèn đường tan loãng giữa khuya. Chợ đêm đậm nét quê mùa, chân chất, không thấy vẻ xô bồ, cảnh kì kèo thêm bớt. Người đến chợ đêm không đi một mình, thường theo nhóm cùng làng, cùng xã. Đêm dài, đường xa, câu chuyện giữa họ là giống cây, thời tiết, chuyện học hành của con cháu, chuyện làng, chuyện xã... Mỗi người một hoàn cảnh thường là nghèo, lặn lội đến chợ mong đổi mồ hôi, công sức, những giấc ngủ thêm chút ít tiền công. Theo tay chỉ của bà Thìn, thấy mấy anh thanh niên quây quanh xe hành của bác Trung ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) giúp khuân hàng xuống. Từ 9 giờ tối bác dùng chiếc xe máy cũ tiếng nổ phành phạch thồ gần một tạ hành hoa tươi về Hà Nội bán. Nhà bác trồng ba sào, mỗi sào cho thu hoạch khoảng sáu tạ hành, gom góp, chắt chiu tiền nuôi hai đứa con ăn học. Anh Minh ở thị trấn Sao Đỏ (Hải Dương) lúc lỉu thồ hơn một tạ cà chua mua gom ở nhà lên đây bán, nói rằng mỗi đêm lãi khoảng 20 nghìn đồng. Có lần gặp người bị tai nạn giao thông, anh xăng xái đưa nạn nhân đến bệnh viện, bỏ buổi chợ, để sau đó phải thồ nguyên xe cà chua đi bán dạo. Anh nhiệt tình, xốc vác giúp mọi người công việc nặng nhọc. Nghề trồng rau vốn bấp bênh, được mùa vừa mừng vừa lo, thu hoạch xong tiêu thụ rất khó.…

“Ở chợ rau đêm Cầu Giấy, tình cờ tôi gặp chị Làn. Năm nay, chị 25 tuổi, nhưng bởi dáng thấp đậm, da đen, khuôn mặt khó đoán tuổi. Chị là con gái làng Hạ (Hà Tây) từ một giờ sáng cùng chiếc xe đạp phượng hoàng cũ mèm lên chợ rau đêm lấy hàng rồi tất tả về bán ở một góc chợ cóc. Chị ít để ý đến bản thân, có sáng trời mưa tầm tã vẫn đứng bán hàng từ sớm, áo mưa chẳng có, miệng cố mời chào bằng chất giọng khàn, thô thô: “Bác mua hàng cho em mấy...”. Là con cả trong gia đình có ba chị em, bố mẹ mất sớm, chị quần quật làm nhiều nghề: Gánh hàng, đóng gạch thuê, đánh dậm... nuôi sống mình và các em. Từ ngày đi bán hàng rau, mỗi tháng chị dành dụm được từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ở chợ rau đêm, người mua chủ yếu như chị Làn, những người ngày ngày đến các chợ mua rau của nông dân các vùng ngoại thành để rồi có mặt ở các khu phố, ngõ chợ nội thành. Phương tiện rong ruổi đường trường là chiếc xe đạp cũ cọc cạch, tróc mầu sơn. Gặp nhau ở chợ đêm, các chị đon đả, hỏi han nhau, cười nói xởi lởi khác hẳn vẻ ngày thường trông lầm lũi khi người ở phố mua hàng đỏng đảnh chê bai. Những vệt đèn pin loang loáng cùng với tiếng cười nói lao xao. Gần sáng, trời bỗng trút mưa nặng hạt, lạnh buốt ập về. Chẳng phân biệt kẻ bán người mua, những bóng nhỏ bé chung nhau những mảnh áo mưa. Qua một lượt chợ, chúng tôi gặp lại bà Thìn. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà khẽ khàng cời những viên than còn le lói ánh lửa, vẫn chuyện trò chưa vãn.

Đoạn kết, bài báo cho biết sinh hoạt này vẫn giữ nếp ở nhiều nơi:
“Hiện nay, Hà Nội có hàng chục chợ rau đêm trên những tuyến đường vào thành phố, có tên và không tên như Cầu Giấy, chợ xanh cạnh Trường đại học Sư phạm, ngã ba cầu Thăng Long, ngã tư Trung Hiền, Ngã Tư Sở, chợ trên đường Giải Phóng... Những chợ rau đêm là nguồn cung cấp chủ yếu đáp ứng nhu cầu hàng chục tấn rau xanh của thành phố mỗi ngày, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn nông dân ven đô. Chợ rau tiêu thụ theo phương thức bán buôn, thu hút người từ vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam...”

Bạn ơi,
Đất nước mình cơ cực lắm. Con đường từ chợ rau đêm tới các siêu thị hẳn còn dài. Phải chi có cách nào cho quê nhà cất cánh thật mau nhỉ. Tôi chịu thua, không nghĩ nổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi đổi tên, sẽ thoát tụt hậu? Có vẻ như nhiều quan chức Hà nội tin như thế…
Hình như chính phủ Hà nội lo sợ dân chúng biểu tình theo kiểu như Hồng Kông… do vậy cảnh sát phải diễn tập đàn áp biểu tình.
Từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho tới các sóng gió Biển Đông… bàn tay chính phủ Bắc Kinh hung hiểm phóng phi tiêu ra tứ phía…
Con gà đẻ trứng vàng cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á vẫn luôn luôn là ngành du lịch… vì tự nhiên khách quốc tế rủ nhau tới xài tiền trong sân nhà mình…
Lúc nào cũng trai thừa, gái thiếu… thặng dư chênh lệch trên cả nước, không chỉ tại Sài Gòn.
Tưng bừng kinh doanh lậu… Đó là chuyện bến bãi đường thủy…
Dầu lậu chở lặng lẽ… cả chục ngàn lít dầu… không xuất xứ. Hẳn là tham nhũng, hay hối lộ…
Nhiều ngân hàng không biết làm sao thu hồi tiền cho vay, khi các dự án khổng lồ liên tục thua lỗ… và ngập nợ.
Có quá nhiều nỗi lo cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long…
Thôi thì bỏ phạt… hy vọng học trò ngoan mãi, biết vâng lời và học giỏi. Bản tin GiadinhNet kể về một ngôi trường tại Hải Phòng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.