Hôm nay,  

Khi Nông Dân Làm Thợ

27/06/200100:00:00(Xem: 5119)
Bạn,
Theo báo Kinh Tế Sài Gòn, trong những năm vừa qua, sự hình thành một loạt khu công nghiệp ở Miền Đông Nam phần trong đã thu hút về đây hàng chục ngàn lao động từ nông thôn đến. Ở Bình Dương có đến 87% lao động làm việc trong các công ty là người đến từ tỉnh khác. Tại Đồng Nai, gần một nửa công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đến từ các địa phương khác. Họ phần đông là nông dân, vốn quen cầm cày, cầm cuốc, việc ai nấy làm, nay phải làm việc theo dây chuyền với máy móc, thiết bị trong các công ty, nên không thể dễ dàng thích nghi với cách làm việc công nghiệp.

Báo KTSG ghi lại trường hợp một công nhân tên Tuấn, rời quê Thái Bình theo đồng hương vào Sài Gòn tìm việc làm từ cuối năm 1999. Khi ấy Tuấn mới 17 tuổi. Sau khóa đào tạo 3 tháng tốn hết 450 ngàn đồng, Tuấn được nhận vào làm ở một công ty may xuất cảng ở Bình Dương với thu nhập 600 ngàn đồng. Nhưng chưa đầy ba tháng, Tuấn đã bỏ nghề may đi làm phụ hồ và lại rất mãn nguyện với công việc bấp bênh và cực nhọc này. Với tiền công nhật 25 ngàn đồng, Tuấn phải dậy từ 7 giờ sáng và đến 9 giờ tối mới trở về phòng trọ, thậm chí có nhiều ngày chuyển vật liệu đến nửa đêm. Công việc tốn sức lực là thế, nhưng Tuấn vẫn thấy thoải mái hơn là ngồi trong xưởng máy mát mẻ. Tuấn nói: “Ở nhà làm ruộng quen rồi, muốn nghỉ lúc nào cũng được. Làm trong xí nghiệp may, cứ phải ngồi một chỗ cho đến hết giờ, chịu không nổi!”.

Báo KTSG dẫn lời của viên phó chủ tịch Hiệp hội may VN, nhận xét rằng phần lớn lao động chỉ được đào tạo về nghiệp vụ khoảng 3 tháng tại các trung tâm dạy nghề, họ hầu như chưa được chuẩn bị gì trước khi bước vào môi trường làm việc mới. Giám đốc 1 công ty may có 1,200 công nhân ở Sài Gòn cho biết người lao động đến từ nông thôn thường có thói quen nghỉ lễ, nghỉ tết kéo dài. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những nơi tổ chức làm dây chuyền như ngành may và giày, một số người không báo trước có thể làm xáo trộn hoặc gián đoạn cả một dây chuyền sản xuất.

Bạn,
Báo KTSG phân tích rằng trong nhiều trường hợp, cách làm việc theo kiểu nông dân là một trong những nguyên nhân gây ra bất đồng giữa công nhân và chủ doanh nghiệp, dẫn đến những vụ đình công. Ông Trần Chí Gia, giám đốc xí nghiệp may Meko, liên doanh giữa VN và Đài Loan, kể lại câu chuyện cũ: “Hồi trước xí nghiệp chúng tôi có khoảng 700 lao động, chủ yếu là nông dân. Họ quen làm việc lề mề, thích thì làm không thích thì nghỉ, khiến cho hợp đồng năm đó đến cận ngày giao mà vẫn chưa hoàn thành. Thế là xí nghiệp phải tổ chức làm tăng ca, nhưng công nhân vẫn rề rà. Vài chuyên gia nước ngoài quá sốt ruột đã la mắng một nhóm công nhân. Thế là đình công xảy ra.” Cuộc đình công ở Công ty Fashy Vietnam ở Đồng Nai, xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái cũng từ nguyên nhân gần như vậy. Do yêu cầu của công việc, công ty thông báo điều chỉnh giờ làm việc ca đầu sớm hơn nửa giờ so với quy định và giờ ăn trưa cũng được điều chỉnh là 10 giờ sáng thay vì 10 giờ 30. Một nhóm công nhân không chấp nhận lịch mới và phản đối bằng cách cứ đi làm theo giờ cũ và xuống ăn trưa lúc 10 giờ 30. Nhưng khi xuống thì nhà ăn đã đóng cửa. Cho rằng mình đã bị công ty bỏ đói, và đình công đã xảy ra rất căng thẳng suốt mấy ngày liền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.