Hôm nay,  

Hương Lộ Ngoại Thành

19/07/199900:00:00(Xem: 6744)
Bạn,
Theo báo trong nước, hệ thống cầu đường, hương lộ tại khu vực ngoại thành Sài Gòn đã bị xuống cấp trầm trọng, một số công trình tu bổ đã được thực hiện nhưng do thiếu thiết kế nên đã dẫn đến tình trạng bất khiển dụng và lãng phí. Một trong những hương lộ rơi vào tình trạng này là Hương lộ 33 dài 20 thuộc địa phận quận 9 và một phần quận 2, được khởi công nâng cấp vào cuối năm 1997 với kinh phí 28.5 tỉ đồng (khoảng 2.4 triệu đô theo tỷ giá thời kỳ đó). Thế nhưng thực trạng hiện nay của con đường khiến cho nhiều chuyên viên dự báo rằng trong tương lai con đường sẽ lại quay về với quá khứ “đen tối” của nó. Câu chuyện về con đường này và một số hương lộ ngoại thành được báo Sài Gòn ghi nhận như sau:
Từ đầu thập niên 90, Hương lộ 33 (HL33) là đường cấp phối sỏi đỏ bị xuống cấp nặng nề, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do bụi đất. Năm 1993, huyện Thủ Đức kiến nghị Thành phố nâng cấp đường và sau đó dự án được hình thành, nhưng mãi đến tháng 12-1997 (lúc này HL33 thuộc quận 9) Thành phố mới duyệt vốn để khởi công xây dựng. Theo thiết kế trước đây, HL33 là đường nông thôn nên không có hệ thống thoát nước mà thoát nước tự nhiên. Điều này cũng dễ hiểu vì những người khảo sát thực địa để nâng cấp HL33 lúc này chỉ nhìn thấy hai bên đường là ruộng đồng, sông rạch. Điều họ không ngờ là ở vùng đô thị hóa như quận 9, tốc độ phát triển dân số cơ học rất cao và việc xây cất nhà cửa (chủ yếu là xây dựng không phép) diễn ra ào ạt. Thực tế đã chứng minh điều này, nhà cửa lần lượt mọc san sát theo HL33, nền nhà cao hơn mặt đường nên hễ mưa xuống là nước trên HL33 không thể thoát đi đâu được. Trầm trọng hơn, HL33 được xây dựng với tải trọng 30 tấn nhưng 8 chiếc cầu trên HL33 chỉ có tải trọng từ 5 - 8 tấn, mà để xây dựng một chiếc cầu phải tốn từ 8 - 9 tỉ đồng. Hiện thành phố chỉ mới duyệt dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu với kinh phí 8,234 tỉ đồng. Từ những trớ trêu trên, có thể khẳng định rằng, sau khi HL33 hoàn thành (hiện đã đạt khoảng 70% khối lượng công trình) sẽ không phát huy tác dụng do thiếu đồng bộ cầu - đường, về lâu dài sẽ bị hư hỏng nhanh do không có hệ thống thoát nước.

Nếu như HL33 tiêu biểu về sự thiếu đồng bộ giữa cầu - đường, thì đường 2 - 4 - 6 thuộc nội vi thị trấn Củ Chi lại đạt kỷ lục về hư hỏng nhanh. Những con đường này được trải nhựa hoàn thành trong năm 1996 thì đến năm 1997 đã bị xuống cấp trầm trọng, do mỗi ngày có hơn 100 xe tải chở đất quá tải trọng đường chạy ngang. Nhiều hộ dân ở đây phản ánh với các cấp, đến cuối năm 1997 huyện cho tiến hành sửa chữa, nhưng cũng chỉ được 1 - 2 tháng lại hư như cũ.
Nhiều người dân cho rằng, việc sửa chữa đường bị hư do xe tải chạy chỉ là để cho “dân thấy có quan tâm” chứ chẳng có tác dụng gì, mà còn tăng thêm lãng phí.
Bạn,
Theo phân tích của các kỹ sư về ngành giao thông, xây dựng, đường bị hư do xe tải lưu thông là một thực tế, song cũng có những con đường trong quận 9, và các huyện ngoại thành không phải do nguyên nhân trên cũng bị xuống cấp sau hơn một năm đưa vào sử dụng. Theo một chuyên viên của ban Quản lý dự án quận 9, lỗi có phần thuộc về phía đơn vị thi hành công trình và giám sát công trình, cũng như hội đồng nghiệm thu, vì nếu không có chuyện giám sát qua loa, nghiệm thu chiếu lệ, thì làm sao đơn vị thi hành công trình có thể làm ẩu để nhận tiền được!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.