Hôm nay,  

Dân Miền Tây & Cà Phê

09/01/200200:00:00(Xem: 4832)
Bạn,
Theo ghi nhận của một số nhà nghiên cứu nhân văn, hiện nay, tại một số thị xã ở miền Tây vẫn còn tồn tại một số quán cà phê bên hè có từ trước 1975. Mỗi quán cà phê đã trở thành một địa chỉ thân quen tiềm ẩn trong ký ức của nhiều người dân miền Tây từ lứa tuổi trung niên trở lên. Và trong khi loại hình cà phê "ôm", đã lan rộng đến tận nhiều xã ở miền Tây, thì tại các thị xã như Long Xuyên, Cần Thơ vẫn còn những quán cà phê bên lề đường dành cho những người khách "hoài cổ" và dân lao động như ghi nhận của một phóng viên báo Kinh Tế Sài Gòn qua đoạn ghi chép dưới đây.

Không giống như cái thức giấc của đô thị như Sài Gòn, các thị xã ở đồng bằng sông Cửu Long thức dậy chậm rãi và yên bình như một cô gái vươn vai e lệ. Để có thể cảm nhận cái thú như vậy, khách phương xa đến thường hay la cà ở các quán cà phê ven đường, ven chợ để thưởng thức buổi sáng. Ly cà phê ở các hàng cà phê bên chợ, bên hè ở đồng bằng không cầu kỳ, không kiểu cách nhưng cũng thơm nức mũi. Quán cà phê bên hè nằm cạnh một ngôi đình giữa lòng thành phố Long Xuyên. Người bán mặc quần cộc, bụng to phè, tay cầm một cái gáo múc nước sôi từ trong cái thùng đang sôi sùng sục, tay kia cầm cái vợt chứa đầy cà phê bột, đổ nước sôi vào và dùng cái muỗng dài khuấy đều. Đáy vợt cho ra dòng cà phê đen sánh, chảy vào cái ống nhôm đặt trên nồi nước sôi để giữ nóng. Lại cho đường vào cái "chệt đẽo" rót cà phê nóng vào đặt lên cái đĩa sành nhỏ cũ xì mang ra cho khách. Vậy là khách đã có được cái "xây chừng" (theo tiếng Hoa là cà phê nóng trong cái ly nhỏ). Còn cái chệt đẽo là cái ly chuyên dùng uống cà phê từ xưa lắm rồi. Nó làm bằng thủy tinh, thấp, có ngấn. Cừ bè bè như ông chủ quán người Hoa. Loại ly này tuy đơn giản như vậy nhưng ngày nay ít khi được nhìn thấy. Chỉ có 1 ngàn đồng một cái xây chừng. Giá rẻ bất ngờ. Có 1 ngàn đồng là được uống cà phê buổi sáng và có cả ký ức thời bé đi kèm nữa.

Hồi nhỏ, khi được đi cùng người ông đi uống cà phê sáng, tôi (phóng viên) chỉ được biết cà phê qua ly pạc xỉu, tức là ly sữa nóng nhỏ có pha một ít cà phê. Thi thoảng cũng được uống cà phê. Lớn hơn một tí cũng đã uống cà phê đen rồi. Bẵng đi nửa đời mới có thói quen ướng cà phê đen buổi sáng, mới biết thưởng thức, mới ghiền cà phê. Nhưng cái mùi vị cà phê bây giờ sao không giống như trước. Nó đắng và chát, nó thơm nhưng rất nồng, nó đen chứ không nâu và sền sệt như nước màu kho. Có một dạo, lâu lắm rồi, những năm 80, người dân cà phê còn uống cà phê cả cái lưng chừng. Chẳng qua cà phê đen được gọi là "xây chừng", lúc đó 1 đồng/1 ly. Còn sinh viên không tiền chỉ uống phân nửa thôi, mà chủ quán cũng chiếu cố bán nửa ly 50 xu, nên gọi là "lưng chừng". Có lúc dân đồng bằng có cái gu uống cà phê phải có bọt như bia, nên người ta phải đánh cho bọt trào lên miệng ly.

Bạn,
Cũng theo báo KTSG, gọi là uống cà phê nhưng la cà ở các quán mới nhận ra được rằng không chỉ là chuyện cà phê ngon hay dở mà chính là cái không khí của quán cà phê, cái góc nhìn xuống phố quen thuộc, cả những khách quen mặt nhưng chưa bắt chuyện được bao giờ, tất cả tạo nên cái chất khiến cho người ta ghiền cà phê hơn. Khách phương xa đến miền Tây có dịp cảm nhận cái không khí phố xá đồng bằng vừa thức giấc, bằng cách dậy sớm và uống cà phê bên hè của chủ quán người Hoa đang ưỡn bụng cười hềnh hệch, miệng nói "chẩu sành, chẩu sành" chào buổi sáng...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.