Hôm nay,  

Những Người Đi Tìm Vàng

17/06/199900:00:00(Xem: 6968)
Bạn,
Cách Đà Nẵng gần 150km theo hướng Tây, có một khu vực đang thu hút đông đảo dân nghèo từ khắp nơi trên Việt Nam tìm đến với một ước mơ là được “đổi đời”: Đó là Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Trước đây huyện này là khu vực của các loại trầm hương quý hiếm, còn bây giờ là khu rừng “vàng”. Vào những ngày này, nơi đây đang trở thành “hội chợ của người đi tìm vàng”. Theo tài liệu báo trong nước, toàn huyện hiện có khoảng 25 nghìn người thường xuyên cư trú, trong đó gần 50% là dân tứ xứ từ ba miền đến. Dù đã nhiều lần bị công an CSVN truy đuổi, phải trốn vào rừng, nhưng khi các đội kiểm tra rút đi, họ lại trở ra bãi vàng và mọi sự vẫn như cũ. Câu chuyện về những người dân đi tìm vàng này được báo Sài Gòn ghi nhận như sau:
Bốn giờ sáng chúng tôi đến bến xe liên tỉnh (TP.Đà Nẵng) bắt đầu cuộc hành trình đến rừng vàng. Mùi vàng đã bắt đầu ngửi thấy từ đây. Những băng ghế trước đã được các sếp bãi vàng bao cho quân của mình. Ngoài 20 thanh niên, quê Nam Định, trên xe còn có 3 phụ nữ bế con nhỏ đi tìm chồng. Có vé hay không đều bị phụ xe xử luật rừng thu 40.000đ (giá vé 14.600đ). Đường đến Phước Sơn được quản lý chặt đến độ tưởng chừng không một con muỗi nào qua lọt. Cách thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) 20km có một trạm kiểm tra liên ngành. Không chứng minh nhân dân, giấy tạm vắng phạt 60.000đ; Có một trong hai phạt 40.000đ. Ai năn nỉ, đuổi về... Đó là chưa kể các trạm kiểm tra do các thôn bản tự đặt ra và cũng thu mỗi người từ 5-10 nghìn đồng. Nhưng điều đó hầu như không có ý nghĩa gì trước dòng người bằng mọi con đường đổ về đây.

Có lẽ không gian thị trấn miền núi Khâm Đức (Phước Sơn) không khác không khí tìm vàng của vùng viễn Tây nước Mỹ là bao. Thượng vàng, hạ cám đủ các loại dịch vụ. Toàn huyện hiện có khoảng 20 điểm khai thác vàng. Gần nhất cách trung tâm 30km, xa thì đến hai, ba ngày đường. Nhờ xe thồ chở, chúng tôi đến bãi vàng đầu tiên - bãi Đất. Gọi là bãi nhưng nó nằm trên một quả đồi cao. Đỉnh rộng trên 1.000m2, nhưng mang trên nó gần như một thị trấn nhỏ với hơn nghìn con người, đủ cả già trẻ, trai gái và trẻ con. Tại đây có đến 20 hầm, mỗi hầm khoảng 30 người đang lao động. Tất nhiên số trở thành tỷ phú không nhiều. Hầu hết các bãi vàng tại Phước Sơn đều có hai cách tổ chức hợp đồng lao động phổ biến: Cách ăn chia theo kiểu được ăn cả, ngã về không và hợp đồng thuê lao động. Thường những người ở các tỉnh phía bắc: Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình...Tất cả đều phải lao động khổ sai, quần quật cả ngày lẫn đêm, vùi thân trong nước, trong đất với mối nguy hiểm luôn treo lơ lửng trên đầu. Để lấy vàng, các chủ bãi cho đào những đường hầm sâu đến 70m, chèn chống sơ sài bằng vài cây gỗ rừng. Dưới đáy đào hàm ếch, ăn theo từng luồng kiểu địa đạo; người và đất, đá lên xuống hầm bằng ròng rọc dây cáp; hệ thống quạt gió thổi khí xuống hầm được dẫn xuống bằng ống dây nhựa; để người hô hấp và để thổi khí độc, khói thuốc nổ khi dùng mìn đánh đá. Vì vậy chuyện sập hầm, ngạt thở xảy ra như cơm bữa. Bạn,
Trên lộ trình về Phước Sơn, hàng ngày có một đội quân thồ hàng cho các lái thương. Hầu hết họ là phụ nữ và trẻ em. Riêng đội quân xe thồ không dưới con số 1 ngàn chiếc. Dọc đường vào bãi vàng, cứ hơn cây số thì có quán cóc nghỉ chân. Nơi đây còn là chốn có cả “thiên đường nhỏ” cho người lao động đào vàng: Gái làm tiền, thuốc phiện và cả thịt chó, karaoke, hớt tóc nữ, tẩm quất... tất cả các dịch vụ đều được chăn dắt bởi các ông chủ giấu mặt nhưng đầy quyền lực như những tiểu vương!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.