Hôm nay,  

Thơ Mộng Cao Nguyên

10/10/199900:00:00(Xem: 7277)
Bạn thân,
Gầu là gái. Tiếng của người H’Mông. Bạn không thể hình dung cái thơ mộng của chàng trai Kinh, em gái Thượng khi lòng lưu luyến nhau, nhưng phải đành lòng xa nhau, cứ hệt như chuyện Rồng Tiên năm xưa. Khi cô gái H’Mông đỏ mặt, bảo là chàng phải ở lại núi, thì chàng mới hoảng, len lén rút về thành. Và khi chàng đi thì em gái Thượng mới ngẩn ngơ nhìn theo khói xe... Tôi biết rằng bạn bên Mỹ, cũng như tôi ở Sài Gòn này, không còn bao nhiêu thơ mộng nữa, nên trích đoạn một mảng du ký cao nguyên nơi đây cho bạn đọc.
“Sống trên đá, chết đá đèo,” người ta nói thế về cư dân trên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang). Hàng ngày đường chúng tôi đi trong đá, quanh co bên những vách đá dựng đứng màu xám với những đường nét sắc nhọn. Thảng khi gặp một túp nhà người H’Mông như tổ chim bám vào vách đá cheo leo. Người H’Mông xếp đá bao quanh nhà, vài cây cải mèo cũng rào khoanh bằng đá. Người đàn bà H’Mông nhẫn nại gùi đất từ vực sâu trèo ngược dốc đổ đất lên triền đá, kè đá, tạo thành những miếng đất bằng phẳng con con tích tụ nước mưa. Người đàn ông H’Mông cặm cụi cày trên lớp đất mỏng lổng chổng đá. Lưỡi cày nhỏ, cực sắc, toé lửa mỗi lần vấp đá rắn. Những luống cày vì thế ngoằn ngoèo do người cày tránh đá, cố gạn lấy chút đất trồng trọt. Giữa trưa hơi nóng toả từ đá hầm hập, người có thể đổ máu mũi vì cái nắng khô gay gắt. Con bò nghỉ cuối đường cày, cam chịu gậm những lá cây hiếm hoi trên các bụi gai...
Nhưng đến chiều trên Mã Pì Lèng tắt nắng, đá núi nguội rất mau. Đứng trên bờ cao nguyên nhìn xuống dòng sông Nho Quế, chẳng có cảnh nào hùng vĩ, đáng kinh ngạc hơn. Dưới sân hun hút hàng cây số sương mù lạnh bắt đầu dâng lên mù mịt... Chúng tôi xuống xe đi bộ, đá dăm lạo xạo dưới chân, yên tĩnh hoàn toàn. Một cậu bé người H’Mông ngồi trên tảng đá đăm đăm nhìn xuống. A Sìn - nhờ anh Dử hỏi, tôi biết tên cậu bé - Em ngồi chơi" - ừ. - Nghĩ gì vậy" Tôi thử thân mật. - Chẳng nghĩ gì. Tôi tin cậu chẳng nghĩ gì, chẳng quen với việc con người luôn phải nghĩ cái gì. Khuôn mặt cậu thanh thản nhất, cặp mắt trong sáng nhất mà có lẽ đời tôi sẽ chỉ một lần bắt gặp. Nó thuộc về thiên nhiên, là chi tiết của thiên nhiên hoang vu.

Đêm, chúng tôi dừng ở một nhà cán bộ xã. Trong số các cán bộ xã, có cán bộ A Trống. Mọi người giới thiệu A Trống rất giỏi cơ khí, người H’Mông nào cũng giỏi cơ khí. Người đàn ông áo chàm xơ xác, mặt góc cạnh, mắt một mí, ngồi khuất sau lưng những người đang rượu vào nói cười vui vẻ.
A Trống rèn dao, rèn lưỡi cày sắc bén, dùng sức nước khoan thanh xàbeng thành nòng súng... A Trống à, rót rượu nữa nào. ừ! Trống à, lấy thêm cái chén, đôi đũa... ừ! Mỗi lần nghe ai gọi, A Trống lại sốt sắng nhổm dậy chạy đi chạy lại. Nhưng anh không hay chuyện, anh im như đá núi. Trong ánh lửa đêm leo lét, bất giác tôi nhớ mấy câu dân ca của người H’Mông: Tối trời không biết tối gì trời/ Tối trời tối con bò mộng trời/ Con bò mộng kêu ầm vang sắp gần nhà/ Cũng là lúc anh đrâu H’Mông (anh trai H’Mông)/ Đeo thanh kiếm lên đường/... Đi đến chân nhà em gầu H’Mông (cô gái H’Mông)/ Thấy em gầu H’Mông/ Cùng chồng ôm đùi nằm.
Lời ca da diết đến nỗi sớm hôm sau trên đường về Quản Bạ, xe ghé một cái chợ ven con đường đá, tôi hăng hái len vào tìm một em gầu H’Mông. Mùa khô đã trút hết lá lợp lán, chỉ còn chằng chịt những bộ khung cành cây đen thẫm. Đàn ông áo chàm đen, tay mỗi người cầm cái bát nhựa đỏ đựng rượu như than hồng. Họ quây quần bên chảo thắng cố, ực hết bát rượu, cơn hứng khởi đến, các chàng trai ôm khèn khom người, vừa thổi vừa đảo khèn quay tròn.
Em gầu H’Mông chắc nịch, xinh đẹp của tôi người H’Mông Hoa, tôi theo từ đầu chợ xuống cuối chợ. So với lối ăn mặc sơ sài của dân đô thị, em giống một nữ hoàng. Không có chỗ nào trên bộ áo váy của em không thêu chỉ màu sặc sỡ. Lại nhờ anh Dử dịch, tôi thẳng thắn mời em bát thắng dền (bánh trôi nước). Em đỏ mặt, chăm chú nhìn tôi. Rồi tôi hoảng sợ thấy em nói gay gắt với anh Dử đang luống cuống. Câu chuyện dài rút lại là: Tao sẽ ăn, nhưng xe chúng mày về, nó phải ở lại đây... Mặc dầu đã nhiều người xúm lại, nhưng cuộc rút lui của chúng tôi vẫn lặng lẽ theo lối người thành phố.
Xe tiếp tục chạy trên con đường hiểm trở. Qua khúc quanh nó chạy chậm, chợt tôi sửng sốt thấy em gầu H’Mông đã đứng đợi. Hẳn tôi đừng liều lĩnh xuống xe. Nên khi nó vượt qua em và đổ dốc, tôi ngước lên thấy thân thể em gầu H’Mông in trên khung trời xanh giữa những dãy núi đá khắc khổ…

Bạn thân,
Thơ mộng ha. Hy vọng bạn có ngày cuối tuần vui.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi đổi tên, sẽ thoát tụt hậu? Có vẻ như nhiều quan chức Hà nội tin như thế…
Hình như chính phủ Hà nội lo sợ dân chúng biểu tình theo kiểu như Hồng Kông… do vậy cảnh sát phải diễn tập đàn áp biểu tình.
Từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho tới các sóng gió Biển Đông… bàn tay chính phủ Bắc Kinh hung hiểm phóng phi tiêu ra tứ phía…
Con gà đẻ trứng vàng cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á vẫn luôn luôn là ngành du lịch… vì tự nhiên khách quốc tế rủ nhau tới xài tiền trong sân nhà mình…
Lúc nào cũng trai thừa, gái thiếu… thặng dư chênh lệch trên cả nước, không chỉ tại Sài Gòn.
Tưng bừng kinh doanh lậu… Đó là chuyện bến bãi đường thủy…
Dầu lậu chở lặng lẽ… cả chục ngàn lít dầu… không xuất xứ. Hẳn là tham nhũng, hay hối lộ…
Nhiều ngân hàng không biết làm sao thu hồi tiền cho vay, khi các dự án khổng lồ liên tục thua lỗ… và ngập nợ.
Có quá nhiều nỗi lo cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long…
Thôi thì bỏ phạt… hy vọng học trò ngoan mãi, biết vâng lời và học giỏi. Bản tin GiadinhNet kể về một ngôi trường tại Hải Phòng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.