Hôm nay,  

Những Cảnh Đời Ở Vùng Lũ

20/09/200100:00:00(Xem: 4097)
Bạn,
Theo báo Thanh Niên, trong hơn hai tuần qua, từ huyện Ô Môn, Cần Thơ dọc theo Quốc lộ 91 cho đến địa phận được xem là rốn lũ thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nông dân vừa phải lo gặt lúa, chặt mía chạy lũ, vừa lo tìm nơi tạm trú trong mùa lũ. Một số đông nông dân nghèo phải đi chở đất mướn, kéo lưới bắt cá để sống qua ngày. Báo TN đã ghi lại những cảnh đời của nông dân dọc theo tuyến lũ qua đoạn ký sự dưới đây của một phóng viên trong chuyến thăm vùng lũ vào trung tuần tháng 9 vừa qua.

Cũng như mọi năm, mỗi khi lũ về là bắt đầu mùa chở đất mướn của người dân huyện Thốt Nốt. Ở đây khi trời vừa sáng tỏ đã có hàng chục người tham gia chở đất mướn cho một cư dân tên Hồng để đắp nền, làm cây xăng. Ông Hồng nói: Lũ về nên có người bán cho tôi lớp đất gò bề mặt ruộng với giá 800 ngàn đồng/sào; tiền công chở mỗi xuồng đất giá 2,800 đồng. Nghe ông chủ ruộng nói có lấy lớp đất mặt ruộng đi thì qua mùa lũ phù sa bồi làm lúa mới trúng. Những người làm công cho ông Hồng đa phần là dân vùng rốn lũ như An Phú, tỉnh An Giang; Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chạy dạt ra đây mưu sinh kiếm sống. Họ nói mực nước năm nay lên cũng như năm rồi nhưng ít hung hãn hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất của họ là kiếm sống sao đây cho qua mùa lũ khi mà đất đai ruộng vườn đã chìm sâu trong nước. Quả như tốp thợ nói, dọc theo Quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi Châu Đốc, nước đã mấp mé mặt lộ. Cặp bờ sông Hậu, nhiều hộ nuôi cá tra phải thu hoạch cá non chạy lũ. Một chủ hầm ở Châu Đốc cho biết: Tôi vừa thả nuôi 13 ngàn con cá tra mất khoảng 40 triệu đồng. Nhưng thu hoạch chưa tới tuổi kiểu này chắc còn 25 triệu đồng là khá lắm. Tại chợ Châu Đốc hiện hình thành nhiều điểm mua cua đồng, ốc và cá linh thể để chế biến làm thức ăn cho tôm cá. Cò con như vậy nhưng dịch vụ này cũng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động đang khốn khổ vì lũ. Họ cho biết phải tìm cách để sống chung với lũ thôi.

Thuê một chiếc tắc ráng, phóng viên báo TN mới vượt qua được nước lũ dến tuyến kênh Bảy Xã dài trên 22.5 km nối từ các xã Tân An, Phú Lộc, Vĩnh Sương thuộc huyện Tân Châu cho đến các xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu...thuộc huyện Vĩnh Phú, tỉnh An Giang. Đây là tuyến đê bao kết hợp khu di dời dân cư chống lũ cho trên 2,600 gia đình. Hiện có nhiều gia đình đã dời lên tuyến kênh này để cất chòi ở tạm. Một cư dân ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nói: “Nhiều người cũng như tui tới đây để tránh lũ, chỉ sống nhờ vào nghề câu lưới. Nhưng xuồng nhỏ quá không dám ra đồng sâu để kiếm cá. Hổm rày đã có không ít những trường hợp bị chìm ghe, mất lưới.”

Bạn,
Cũng theo báo TN, trong thời gian này, dân huyện Tân Châu đang ráo riết từng ngày, tửng giờ để xây hệ thống bờ kè chống lũ. Và để cứu nóng, hiện có gần 1,000 mét khối thuộc khu vực bến xuống và thềm lòng sông được thả cát xuống nhằm chặn áp lực nước ngăn chuyển dịch dòng chảy phía hạ lưu, tạo bồi lắng chống lỡ. Hiện nay tại Tân Châu có đến 186 căn nhà phố kiên cố đang nằm bên miệng thủy thần. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại xã Vĩnh Hòa, Tân Châu, nạn xói lở đã cướp đi trên 18,600 m2 đất ruộng vườn, nhà cửa của cư dân sống ven sông Hậu. Một chuyên viên Thủy lợi tỉnh An Giang nói: Lũ 2000 chưa lànd da non thì lũ 2001 lại đến. Phen này các tỉnh trong vùng lũ đã nghèo lại nghèo thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.