Hôm nay,  

Đốn Tràm Kiếm Sống

24/08/200400:00:00(Xem: 5131)
Bạn,
Tại U Minh tỉnh Cà Mau,có nhiều thợ quanh năm chui rúc trong những cánh rừng tràm như dân du mục để đem sức lực, mồ hôi đổi lấy chén cơm manh áo. Họ là dân nghèo từ các tỉnh miền Tây hội tụ về các lâm ngư trường U Minh đốn tràm thuê kiếm sống. Phóng viên báo Người Lao Động viết về cuộc sống khốn khổ của những người thợ này như sau.
Chiếc vỏ lãi xé toang dòng nước đen kịt như màu cà phê đưa phóng viên lao sâu vào ruột Lâm ngư trường U Minh III (xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau). Phóng viên ghé vào một cái quán nước dã chiến dựng ven bìa rừng, nơi có một nhóm thợ đốn tràm lực lưỡng đang nốc vô hồi kỳ trận rượu đế rót ra từ những chiếc can nhựa với mấy con khô nằm chỏng chơ trên miếng lá chuối. Mời phóng viên mỗi người một ly rượu đế cháy cổ, đám thợ đốn tràm không ngần ngại bộc bạch chuyện đời, chuyện nghề. Nguyễn Văn Tâm, quê tận Năm Căn, Ngọc Hiển, 32 tuổi nhưng có thâm niên gần 15 năm làm nghề đốn tràm, kể: đội quân đốn tràm thuê ở các lâm ngư trường đông đến cả ngàn người.
Đoàn quân đốn tràm thuê đang neo tại tiểu khu 066- 067 của Lâm ngư trường U Minh III đông hơn 200 người, phần lớn là dân tứ xứ tụ hội lại làm với nhau đã 5-7 năm. Ngọc Hiển, Thới Bình, U Minh (Cà Mau), Giá Rai, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), Giồng Riềng, Gò Quau (Kiên Giang)... hầu như địa danh nào cũng có thợ đốn tràm góp mặt trong hội nên anh em cao hứng gọi đây là "hội đốn tràm liên hiệp quốc". Tất cả đều không nhà cửa, không đất đai ruộng vườn nên kéo nhau vào rừng tràm làm nghề... phá sơn lâm. Người có gia đình cũng khăn gói đùm túm cả vợ chồng con cái vào rừng. Vài mảnh ni-lông, mấy chiếc chiếu rách, họ che chòi ở từng cụm trên các bờ kinh, tối vào rừng đốn tràm, chiều kéo nhau về tụ tập nhậu nhẹt, đánh bài đến lúc tắt nắng thì... đi ngủ.

Ông Lê Hoàng Ân, 57 tuổi, có thâm niên đốn tràm thuê hơn 20 năm, nói: "Đốn được một cây tràm để lấy tiền công từ 500 đồng đến 2 ngàn đồng không phải dễ. Ngoài việc thường xuyên đối mặt với muỗi mòng, vắt, ong, rắn rít và cỏ dại, thợ đốn tràm sau khi hạ cây phải róc hết cành nhánh và vác một đoạn đường xa gần cây số từ trong ruột rừng ra đến bờ kinh. Bình quân mỗi ngày mỗi người thợ có thể đốn từ 50 đến 60 cây tràm, nhưng để vác hết số tràm đốn trong 5 ngày ra đến điểm tập kết phải mất hơn... 2 tháng". Tốp thợ không ngần ngại vạch áo cho phóng viên xem những "chiến tích" mà rừng tràm đã ghi dấu trên khắp thân thể họ: những vết sẹo ngang dọc, sẹo mới chồng lên sẹo cũ, chi chít khắp tay chân. Thợ tràm Nguyễn Văn Tâm bùi ngùi: "Làm nghề này hầu như ngày nào cũng dính thẹo, đổ máu: nhẹ thì cành tràm va quẹt, nặng thì búa bay vô tay, vô chân; có bữa máu và mồ hôi mặn chát đầu lưỡi".
Bạn,
Báo NLĐ dẫn lời bà Nguyễn Thị Quyên, người gốc huyện Thới Bình (Cà Mau), gia đình có 3 mẹ con thì cả 3 đều là thợ đốn tràm, than: "Biết cực nhọc nhưng vẫn phải làm vì cả nhà không còn nghề gì khác". Báo NLĐ viết tiếp: Với họ, từ hạt gạo, bó rau, cây kim, sợi chỉ, xị dầu lửa thắp đèn đến chai dầu gió, viên đá lửa hộp quẹt... tất cả đều phải mua chịu các ghe thương hồ chuyên bán hàng tạp hóa lưu động trên các dòng kinh. Cứ một tuần một lần, những chiếc ghe hàng lưu động này lại đến đậu sẵn ở các tiểu khu, chờ thợ đốn tràm lĩnh tiền công xong là khấu trừ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.