Hôm nay,  

Các Trẻ Em Mồ Côi

13/08/200000:00:00(Xem: 5339)
Bạn thân,
Đó là chuyện các trẻ em mồ côi, vẫn phải dắt dìu nhau mà sống. Báo Tuổi Trẻ số 93 kể như sau.
Đành rằng đó là căn nhà xiêu vẹo, nhưng vẹo xiêu đến mức cây chuối bên hè đã chui vào mọc thẳng trong nhà thì quả là tôi chưa từng thấy. Ấy vậy mà đó là nơi tá túc của bốn chị em mồ côi ở ấp 9 xã Tân Thạch Đông, Củ Chi. Người chị cả là Nguyễn Lê Tuyết, vừa học xong lớp 7 (Trường THCS Tân Thạch Đông), chuẩn bị vào lớp 8. Ba năm trước, hồi đứa em nhỏ nhất của Tuyết mới lên ba thì người mẹ, sau những ngày bị bệnh vẫn cứ phải dầm mưa dầm mình đi làm thuê, đã qua đời. Cha của những đứa trẻ ấy cũng ngã bệnh, vẫn cố lê thân đi làm thợ hồ. Rồi một hôm vào dạo đầu năm nay, như thường lệ chiều hôm, những đứa trẻ ngồi trong ngôi nhà tơi tả ấy đợi cha đi làm về, nhưng đợi mãi, đợi mãi chúng vẫn không thấy người cha trở về.
Thế là bốn chị em trở thành những đứa con côi cút trong đời. Tất cả sự sống của chị em côi cút dồn qua vai Tuyết. Cô học trò còn bé bỗng trở thành một “người mẹ”. Những đứa em khóc và “người mẹ” cũng khóc. Nhưng sau những ngày chờ đợi cha về không thấy tăm hơi, Tuyết biết những đứa em chỉ còn trông cậy vào mình, Tuyết “lệnh” với các em: “Không được đứa nào nghỉ học nghen, để chị lo”. Những đứa em biết nghe lời chị. Giờ đây Trinh sắp bước vào lớp 6, Toản lớp 4 và út Phụng đã vào lớp 1. “Để chị lo”, phải đâu chỉ là lo chuyện học. Chuyện cơm, chuyện gạo mới là nỗi gian nan. Để có được cái ăn cho bốn chị em mình, Tuyết bắt đầu những ngày đi học về vừa bỏ cuốn sách, cuốn tập xuống là tất tả vắt cái bao lên vai đi lượm bịch nilông, phế liệu bán kiếm đôi ba ngàn mua gạo. Có hôm Tuyết lại vào lò bánh tráng “lau bụi bánh, mỗi cây (20 ký bánh) họ cho cháu một ngàn đồng”. Làm cật lực suốt ngày Tuyết lau được bốn, năm cây. “Cháu gom gom mua gạo, muối, nước mắm, chớ có mua được gì nữa đâu...”.

Cứ như vậy chị em chụm đầu vào những bữa cơm rau muối. Rau thì Tuyết và Trinh “đi hái quanh quanh, dền có, tàu bay có, lan có...” Đôi ba hôm, để có chút cá cho các em ăn, hai chị em lại lội vào bưng xúc. Bà ngoại, dì Tư, dì Tám của các cháu thỉnh thoảng mang đến cho các cháu năm, mười ký gạo, cái áo, cái quần... Hỏi đến trường hợp những đứa trẻ mồ côi ấy, anh Trần Tiến Dũng - Hội Chữ thập đỏ huyện Củ Chi - liền đưa cánh tay ra nói: “Nè, nói đến các cháu là tôi cứ nổi da gà...” Căn nhà các cháu ở không còn một chỗ nào là không vẹo xiêu, rách đổ. Cha mẹ nghèo, nhà đã vá víu, xiêu nghiêng. Cha mẹ đi, nhà càng xiêu nghiêng, vá víu. Trong cái gọi là nhà ấy, chỉ còn một chỗ duy nhất để mấy chị em tạm tránh được mưa, đó là dưới tấm bạt nilông mà “hồi còn ở nhà, cha đã căng ra chống dột”. Còn lại đứng trong nhà nhìn chỗ nào cũng thấy trống hoác.
Khó quá nhưng Tuyết vẫn chưa nghĩ đến chuyện bỏ học. Sao vậy" Tuyết nói: “Cháu phải học hết lớp 12 để xin việc làm, nuôi các em cháu. Mấy đứa nó còn nhỏ quá...”
Ở Củ Chi (ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung) có một cậu học sinh lớp 12 (Trường THPT Củ Chi) có cái tên nghe lạ: Nguyễn Hoài Hận. Hoài Hận, nhưng Hận chẳng hận ai bao giờ. Hận chỉ biết đến ơn đến nghĩa: ơn chị Quí, chị Quí em đã từng đi ở đợ nuôi mình; ơn dì út Ngạn, hoạt động trên ấp, thỉnh thoảng giúp mình đồng tiền bát gạo; ơn dì Xuân Hương sẻ chia ký gạo, nắm rau... Hồi Hận mới vào lớp 2 thì mẹ qua đời. Các anh chị có gia đình ra riêng, nhà chỉ còn cha và ba chị em. Cha ngã bệnh, hai chị gái của Hận bắt đầu những ngày lên thành phố để đi ở đợ để có tiền nuôi cha và em tiếp tục đi học. Khi Hận đang học lớp 7 thì cha mất. Rồi lần lượt hai chị cũng đi lấy chồng, để Hận lại một mình trong ngôi nhà đất cũ kỹ tả tơi, che đụp đủ thứ nào tranh, nào phên, nào giấy...
Chị Nguyễn Thị Hồng, hội phụ nữ xã, nói về Hoài Hận: “Siêng lắm, ham học và học giỏi. Một mình cứ đi làm mướn, làm thuê để học...” Hận chỉ kiếm được cơm ăn để học. Còn sách vở, quần áo... May thay, quanh Hận có bao nhiêu người tốt: con dì Tám, thầy cô, bạn bè trong lớp, cô bác xóm giềng... Nhờ vậy, suốt cấp II, Hoài Hận đạt danh hiệu học sinh giỏi, và bây giờ Hận vừa dự thi vào các trường đại học. “Nếu đậu - Hận nói - em sẽ xin lưu kết quả, đi làm có tiền rồi học”.
Bạn thân,
Báo này kết bằng một hình ảnh đầy cảm động. “Gặp Hận, không hề nghe Hận nói về cái khó, cái khổ, cái thiếu của mình. Hận chỉ nói về những người xung quanh, chẳng hạn: ‘Hôm em đi thi đại học, không có tiền đi xe, ở trọ, cô chủ nhiệm đã chở em đi rồi cô đợi đón em về...’”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.