Hôm nay,  

Định Kiến Về Nhu Liệu Vn

28/03/200100:00:00(Xem: 5098)
Bạn,
Trong hồi ký của mình, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela có kể đại ý: trong một lần đi máy bay, ông tình cờ được biết viên phi công là người da đen. Ông rất ngạc nhiên khi thấy người da đen có thể lái máy bay và được giao trọng trách chở hàng trăm sinh mạng. Rồi ông cảm thấy xấu hổ vì thiếu lòng tin vào khả năng của người da màu. Thế nhưng, sau đó, ông thú nhận, trong suốt chuyến bay, ông không an tâm. Câu chuyện trong hồi ký của cựu Tổng thống Memdela đã được ông Hoàng Minh Châu, giám đốc chi nhánh công ty Phát triển đầu tư công nghệ FPT tại Sài Gòn nêu ra làm ví dụ khi nói về định kiến của khách hàng nước ngoài đối với lĩnh vực nhu liệu của VN cũng đã ăn sâu vào tâm trí họ như ý nghĩ của ông Mendela về phi công da đen nọ vậy.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh Tế Sài Gòn, viên giám đốc công ty VN nói trên than rằng khó khăn lớn nhất của PFT trong việc xuất cảng nhu liệu là do các đối tác nước ngoài chưa tin vào khả năng của FPT nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ông Châu cho biết chính vì định kiến này mà sau một năm vươn ra thị trường thế giới, hầu hết chỉ tiêu kế hoạch mà PFT đề ra đều không đạt, đưa đến mức chi quá thu lên khoảng 600,000 đô đến 700,000 đô. Tuy nhiên, cái thu lại lớn nhất là những bài học về kinh nghiệm tiếp cận thị trường và đáp ứng về nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Ông Châu ví von: FPT đang ở vào cái thế “cầm đèn chạy trước ô tô.” Qua một thời gian bươn chải trong lĩnh vực xuất cảng phần mềm, công ty này nhận định cho đến nay khách hàng nước ngoài vẫn không tin rằng Việt Nam có thể sản xuất, gia công nhu liệu và định kiến này khó có thể được thay đổi nhanh.

Báo quốc nội dẫn lời của ông Châu cho biết: kỳ vọng từ văn phòng PFT đặt tại Silicon Valley của Mỹ sau hơn một năm thành lập hiện đã giảm vì tiếng nói từ văn phòng này không thuyết phục được khách hàng. PFT quyết định vẫn duy trì văn phòng nhưng thay đổi nhiệm vụ từ tìm kiếm khách hàng trực tiếp và các hợp đồng cụ thể sang thu thập các thông tin về thị trường, nhu cầu của khách hàng, duy trì các mối quan hệ với khách hàng cũ và cố gắng tìm khách hàng mới. Với thông tin được cung cấp từ Silicon Valley, khoảng ba phần tư các hợp đồng làm nhu liệu xuất cảng của PFT có được lại từ Việt Nam. Ông Châu giải thích thêm: Các công ty nước ngoài chỉ tin vào khả năng của PFT khi chính mắt thấy sự phát triển của công ty qua các cuộc trao đổi trực tiếp với các lập trình viên trẻ, giỏi nghề tại đây.

Báo quốc nội cho rằng cũng là lý do vì sao PFT muốn và đang đầu tư vào việc xây dựng cơ sở và đội ngũ lập trình viên tại Việt Nam. Chi nhánh PFT tại Sài Gòn đang chuẩn bị khẩn cấp cho việc mở rộng bộ phận lập trình và đưa một phần cơ sở lập trình của trung tâm Aptech Sài Gòn, một dự án hợp tác giữa PFT và tập đoàn Aptech Ấn Độ vào công viên nhu liệu Quang Trung.

Bạn,
Theo các báo quốc nội, thành phố Sài Gòn vừa khai trương Công viên Phần mềm Quang Trung vào giữa tháng 3/2001 với một số công ty đã ghi danh từ trước. Tuy nhiên công viên nhu liệu này vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng đối với các công ty nhu liệu hoạt động tại công viên này thì những yếu tố về ưu đãi thuế và thuận lợi về kỹ thuật vẫn chưa đủ. Cái quan trọng hơn về lâu dài đối với các công ty này là việc tiêu thụ như thế nào, làm sao có được đơn đặt hàng thường xuyên để sản xuất. Điều dễ thấy là không phải một công ty mới khởi nghiệp nào cũng có khả năng vươn ra thị trường Mỹ, Đức, Nhật hay Singapore để tiếp thị cho sản phẩm của chính mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.