Hôm nay,  

Người Nghèo Cho Máu

09/03/200200:00:00(Xem: 3932)
Bạn,
Trong một bài trên báo Tuổi Trẻ, một nữ phóng viên kể lại rằng trong dịp đến trung tâm hiến máu nhân đạo để xin địa chỉ những người tham gia hiến máu, chị này đã lấy làm ngạc nhiên khi nhận biết trong bản danh sách chọn ra một cách ngẫu nhiên lại có quá nhiều người nghèo. Người ở nhà mướn, người bán dạo, người thất nghiệp, cơm không còn đủ ăn. Có điểm chung của những nghèo hiến máu này là họ chẳng biết, và cũng không gặp người được giúp. Họ chỉ lẳng lặng đến bệnh viện cho máu rồi lẳng lặng ra về, không nhận bất cứ khoản tiền nào, cho dù gia đình người bệnh muốn được gặp ân nhân của mình để cám ơn. Máu của những người nghèo được tạo ra từ những cuộc mưu sinh đổ mồ hôi sôi nước mắt, từ những bữa cơm đạm bạc, và máu cũng là tài sản duy nhất họ có. Ấy thế mà những người nghèo sẵn sàng cho máu. Qua lá thư này, mời bạn nghe câu chuyện về những người nghèo hiến máu theo ghi chép của 1 nữ phóng viên TT.

Phóng viên tìm đến phòng trọ của 2 sinh viên đã tốt nghiệp đại học cả năm nay nhưng vẫn đang thất nghiệp. Căn phòng của họ chỉ có khoảng 5 m2, muốn đi vào phải lội qua mấy con hẻm nước ngập. Trong phòng, phóng viên thấy một cái nồi nhỏ cỡ bàn tay xòe, hai cái chén sứt, vài đôi đũa, một bịch gạo khoảng 2 kg, một bịch muối, một chai nước mắm, một bếp dầu nhỏ. Đó là toàn bộ nhà bếp của Hồ Sĩ Hậu và người bạn cùng trường. Hậu cho biết mỗi ngày tiền chợ chỉ có 6 ngàn đồng, nấu một món hoặc cá kho hoặc trứng kho, không có rau, vì như Hậu nói "rau tuy rẻ nhưng cũng là món thứ hai rồi". Thấy phóng viên có vẻ ái ngại, Hậu nói: "Một món có lúc còn không có nữa chị à." Đời sinh viên nghèo, quê ở xa, vậy mà khi phường vận động hiến máu nhân đạo, Hậu tình nguyện ngay. Đến nay, Hậu đã hiến máu được 5 lần. Phóng viên hỏi: "Ăn uống vậy sức đâu mà cho máu"" Hậu cười: "Coi vậy chớ em khỏe lắm, sức con trai mà chị." Rồi Hậu ngập ngừng: "Chớ em đâu có cái gì khác để cho."

Phóng viên TT đã đến cái chái nhỏ mướn với giá 13,000 đồng/ngày của chị Cao Thị Út. Nơi sinh sống của cả gia đình 4 người (chị, chồng chị và hai đứa con) chỉ gói trọn trong diện tích 2mx4m. Chị bán bột chiên, người chồng thì đạp xích lô. Và cả hai đã tham gia đội hiến máu dự bị sẵn sàng cho đi những giọt máu quý hiếm của mình mà không lại bất cứ khoản tiền nào.

Phóng viên TT lại gặp người chạy xe ôm, anh Trần Văn Thành, trong con hẻm 72 đường Phan Văn Hân, nơi một căn gác gỗ rung rinh mà anh mướn 500 ngàn đồng/tháng. Thật ra anh là tài xế của một cơ quan trung ương, nhưng đồng lương chỉ có 380 ngàn đồng, cộng thêm các khoản khác cũng chỉ được khoảng 800 ngàn (chưa đến 55 đô), nên ngoài giờ anh phải "tranh thủ" chạy xe ôm để kiếm thêm nuôi vợ và đứa con. Lần đầu tiên anh tham gia hiến máu vào năm 1995, do đọc báo thấy loan tin có mấy em nhỏ cần mổ tim nhưng không có tiền mua máu. Đến nay, anh đã hiến máu 7 lần.

Bạn,
Cũng theo ghi nhận của phóng viên TT, tham gia hiến máu hoàn toàn tự nguyện nên những người nói trên không hề nghĩ đến chuyện được đền đáp. Giải thích điều này, một bác sĩ tại trung tâm hiến máu, cũng là người hiến máu 30 lần, nói rằng có lẽ những người hiến máu không muốn gia đình người bệnh băn khoăn. Phần lớn bệnh nhân là người nghèo. Một khi biết mặt, biết tên người cho máu thì họ cứ áy náy tìm cách trả ơn dù cả hai đều cùng nghèo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.