Hôm nay,  

Lái Thiêu Tiêu Điều

16/07/200400:00:00(Xem: 5026)
Bạn,
Vườn cây trái Lái Thiêu thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương nổi tiếng bậc nhất ở miền Nam từ trước 1975, với các loại cây trái sầu riêng, măng cụt, bòn bon... đặc sản. Lái Thiêu vẫn danh bất hư truyền, trở thành nơi lý tưởng cho mọi người đến xem và thưởng thức cây trái. Vườn nối tiếp vườn ngày nào sum sê xanh mát là thế, mà nay ngày càng xơ xác. Cây không còn trĩu quả nữa. Nỗi lo đang trĩu lòng những người làm vườn. Báo NLĐ viết như sau.
Vườn cây trái Lái Thiêu (LT) được hình thành từ đầu thế kỷ trước. Đời cây ở LT đã đi qua nhiều đời người, trong đó có thế hệ đã khuất và con cháu họ còn sống đến nay giữ vườn. Họ yêu vườn như yêu chính cuộc đời mình.

Về Lái Thiêu, bước vào nhà ông Bảy Em, ở ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, nhìn vạt vườn phía bên phải xác xơ, phóng viên không khỏi thảng thốt: "Sao trống quá!" "Hơn 170 cây bòn bon, măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ bị chết, giờ ra thế đấy", giọng ông Bảy Em trầm xuống. Khu vườn 6,000m2 từ đời ông, đời cha để lại có quá nhiều kỷ niệm. Ông nói:"Hồi tôi còn tí tẹo cây đã cao lắm rồi. Những ngày cuối đời cha tôi dặn, dù thế nào cũng đừng bỏ vườn. Cho nên có lái đến kêu giá mỗi gốc măng từ 5-10 triệu đồng nhưng tôi không bán. Bám vườn, gia đình tôi sống từ đời này sang đời khác". Chẳng riêng gia đình ông Bảy Em, ở khu vườn cây trái LT hầu hết các gia đình đều sống bằng nghề vườn cha truyền con nối. Nghề vườn từng đem tới cho họ sự sung túc, và hơn hết là một cuộc sống yên bình. Nguyễn Ngọc Hùng ở ấp An Mỹ, xã An Sơn dẫn khách đi dạo một vòng khu vườn rộng 3,6ha của gia đình, chỉ vào một cành cây măng to chừng cùm tay, giải thích: "Đây, như cành này là 15 năm tuổi. Cha em năm nay 67 tuổi, đủ để anh đoán là gốc măng này không thể dưới 60 năm. Dân làm vườn bọn em thuộc từng gốc, từng cành cây trong vườn, thậm chí còn nhận biết được mỗi cặp lá màu xanh khác nhau là bao nhiêu tuổi".


Thương hiệu trái cây LT vẫn còn đó nhưng những vườn cây thì đang chết. Những chủ vườn đang lo lắng danh tiếng cây trái LT rồi sẽ chỉ còn là "hư truyền". Ông Mười Hẳn, ở ấp Bình Thuận, tiếp chúng tôi tại nhà nên đủ thời gian kể rõ ngọn ngành: "Cuối năm 2002 khi dự án xây dựng bờ bao ven sông Sài Gòn, mấy ông của Cty thi công cơ giới thuỷ đầu tư và xây dựng đã chặn rạch, nước không thoát được nên bị ứ ngập cả chục ngày làm cho cây vàng lá, xuống lá, trơ cành rồi chết". Vườn ông Mười Hẳn bị chết hơn trăm cây bòn bon, măng cụt, sầu riêng nhưng vẫn còn kém xa số cây chết của vườn ông Bảy.
Bạn,
Báo NLĐ viết tiếp: Vào vườn nhà nào phóng viên cũng thấy những cây sầu riêng đứng trơ thân cành, như chỉ còn có mỗi một việc là chờ tới ngày bị đốn hạ để làm củi. Ông Bảy Em chỉ hai đống củi lù lù trước nhà, than: "Tốn công đốn cây cưa củi nhưng đã bán được đồng nào đâu". Thú thật, nếu không được thông tin từ trước thì tôi đã nghĩ rằng những nhà vườn Lái Thiêu đã chuyển nghề một phần sang kinh doanh chất đốt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.