Hôm nay,  

Phố Sửa Giày Ở Sài Gòn

21/10/200400:00:00(Xem: 6093)
Bạn,
Trên địa bàn thành phố Sài Gòn, đường Lê Thánh Tôn, quận 1, có rất nhiều hàng quán, chính yếu bán hàng thủ công mỹ nghệ, vải, lụa... phục vụ du khách. Cũng trên con đường này có không dưới hai chục thợ sửa giày, nép mình dưới mái hiên, lùi sâu vào vỉa hè. Chỉ cần một cái bàn con con, hai chiếc ghế nhựa và một số đôi giày cũ cùng keo, kéo, kìm... song người tới lui không ngớt. SGGP ghi nhận về phố này như sau.
Tại phố sửa giày, không chỉ những đôi giày cũ mà giày mới cũng bị chủ nhân đem ra sửa để có những đôi "không đụng hàng". Thợ sửa và người đi sửa giày trao đổi chừng vài phút, vài câu... thế là xong. Một thanh niên tên Tùng đem đôi giày bị mòn gót đưa cho anh Hiếu, một thợ sửa giày trên đường Lê Thánh Tôn, TPSG. Tùng cho biết: "Tôi sửa giày ở đây lâu rồi nên chỉ cần trao đổi ngắn gọn vài câu, hôm sau sẽ có đôi giày như mới". Nói rồi Tùng phóng xe về hướng chợ Bến Thành. Những người đem giày ra phố Lê Thánh Tôn, quận 1 này để sửa đều như vậy, không câu nệ giá cả, hoàn toàn yên tâm vào những người thợ mà mình gửi giày.
Anh Hiếu cho biết: "Tôi làm nghề này được gần chục năm, khách toàn người quen. Có khi họ đem giày đến, để đây, không nói lời nào nhưng mình biết phải làm gì với đôi giày ấy". Kế bên cạnh anh Hiếu là Hậu, một thanh niên còn khá trẻ, mới vào nghề chừng bốn năm nay nhưng tay nghề không thua những người lâu năm. Theo Hiếu, làm nghề này cốt phải biết ý khách hàng, cái gì làm được thì nhận còn làm không được thì cũng phải nói rõ cho khách biết và giao giày đúng hẹn. Khi anh Hiếu nói điều này cũng là lúc anh từ chối "cắt cổ" đôi giày cao cổ của một thanh niên vừa mang đến với lý do: "Cắt thì được nhưng đôi giày sẽ không đẹp vì ở đây không có đủ đồ nghề như ở các tiệm sửa giày lớn" và anh chỉ cho người thanh niên này đến một tiệm sửa giày khác ở quận 4.

Hai cô gái khá trẻ ngồi ở chỗ sửa giày của ông Đại chờ lấy đôi "giày bốt" trông khá bụi. Qua câu chuyện của họ, được biết, đôi giày này mới mua vài hôm nhưng do hơi thấp nên họ mang đến nhờ ông Đại "nâng cao" lên. Chỉ chừng hai mươi phút sau, đôi giày đã thêm được ba phân. Hình dáng, màu sắc của đôi giày không có gì thay đổi, thật tinh mắt mới nhận ra là hàng mới "đôn lên". Trao ông Đại 20 ngàn đồng tiền công, hai cô gái vui vẻ hòa vào dòng người. Ông Đại nói: "Thực tình, tôi có nhiều cơ hội để có việc làm khác, thu nhập ổn định hơn nhưng tôi chưa nghĩ đến chuyện bỏ nghề này. Những năm trước, khi keo dán giày toàn là mủ cao su, đế là lốp xe cao su cắt ra, thế mà vẫn hành nghề được. Nay, các loại vật tư để sửa giày đều có sẵn, công việc thuận tiện hơn... lẽ nào mình lại phụ nghề". Với ông Đại, sửa giày còn là một công việc mang lại nhiều niềm vui. Ông kể, có những hôm không đi làm, lại nhớ phố sửa giày, nhớ mùi keo dán, nhớ những người khách thân quen với ông bao năm. Đây cũng là lý do khiến ông không chuyển nghề.
Bạn,
Cũng theo ghi nhận của SGGP, thành phố Sài Gòn mà không có những người sửa giày thì không ít người "thất vọng". Với những người thích "làm dáng" một chút thì những người thợ sửa giày là một phần trong đời sống của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.