Hôm nay,  

Tuần Đường Tàu Năm 2001

11/01/200100:00:00(Xem: 5065)
Bạn,
Theo các báo quốc nội, trong khi ngành hỏa xa của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã tận dụng các phương tiện tân tiến nhất về viễn thông để liên lạc kiểm tra hệ thống an ninh đường tàu, thì tại Việt Nam, các công nhân tuần đường vẫn sử dụng những phương tiện của hơn 55 năm về trước trong khi tuần đường. Một nữ phóng viên báo Người Lao Động đã viết về cuộc đời của người tuần đường tàu ở Việt Nam năm 2001 qua đoạn ký sự dưới đây.

Nghề tuần đường sắt có tuần cầu, tuần hầm. Mỗi cuộc đời của người tuần đường sắt nếu cộng số km thì có lẽ nhiều người trong số họ đã đi suốt cả vòng trái đất. Cũng đúng thôi bởi mỗi ngày họ phải đi bộ 18 km để quan sát và tu sửa nhỏ trên đường. Đồ nghề của người tuần đường thật đơn giản, chiếc mỏ lét, cờ, đèn, chèn, pháo. Ban đêm thì dùng đèn, ban ngày thì đặt pháo trên đường ray gây tiếng nổ báo cho đoàn tàu. Cũng thật lạ khi mà thế giới đang bước vào thế kỷ 21 với hệ thống liên lạc ngày mỗi tối tân mà người tuần đường thì vẫn dùng đèn dầu làm tín hiệu. Chúng tôi đã đọc đi đọc lại để tìm một điều gì đó mới lạ trong quy trình của người tuần đường được ban hành từ 1976. Hơn hai mươi năm trôi qua nhưng không có gì thay đổi. Nhiệm vụ của họ có thể tóm gọn trong mấy chữ sau đây: kiểm tra phát hiện, sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng nhỏ, nhanh chóng giữ tàu lại khi gặp sự cố. Công việc cứ đơn giản, lặp đi lặp lại mà trách nhiệm rất nặng nề. Nếu không may xảy ra tai nạn thì người tuần đường được hỏi đầu tiên.

Ngày lại ngày, anh tuần đường cứ đi, một mình lủi thủi dọc đường ray. Vẫn biết nhiều năm nhiều tháng không có chuyện gì, nhưng bất chợt một hòn đá lăn ra trên đường, sau trận mưa đêm, một đứa trẻ chơi đùa thiếu ý thức là tai nạn có thể ập đến. Tại cây số 1026+748 thuộc địa phận của xí nghiệp quản lý đường sắt Nghĩa Bình, chúng tôi gặp Nguyễn Ngọc Xuội vừa đi tuần qua hầm số 16. Xuội tâm sự: Em yêu nghề tuần đường của mình, dù mỗi ngày lên ban là phải đi bộ 18 km, 9 km đi và 9 km về, nhưng đã quen đặc điểm của từng đoạn đường, cây cầu nên không có gì đáng ngại. Những lúc rảnh rỗi khi xuống ban em có niềm vui là trồng lúa, cây ăn trái và cả cây bạch đàn nữa. Tại đoạn đường Mường Mán-Phan Thiết, một công nhân tên Nguyễn Công Thành cho biết đã làm ở đây 8 năm. Công việc cứ lặp đi lặp lại, căng mắt ra để kiểm tra được 300 thanh ray, 1.500 tà vẹt, 600 bu-lông và những căm pông, tín hiệu đèn đường. Nhiều khi cả năm chẳng có chuyện gì, nhưng cũng trong quãng đường đó anh đã hai lần phát hiện ra ray gãy, nếu không thì khó mà tính nổi hậu quả. Mới đây, trên tuyến đường sắt Thống Nhất, chúng tôi đã hỏi chuyện Phan Văn Hòa, công nhân tuần đường xí nghiệp Đường sắt Quảng Bình: Nếu có được một điều ước thì em sẽ ước gì" Hòa cười không nói. Tôi gợi ý một máy điện thoại di động, mọi sự xảy ra sẽ đơn giản hơn nhiều. Hòa nói: Nếu được như chị nói thì tốt quá.

Bạn,
Cũng theo ký giả trên, người tuần đường tàu gian nan như thế nhưng đã mấy ai để ý đến nơi dừng chân chờ giao thẻ đường giữa hai anh tuần đường. Đôi khi tìm một gốc cây có bóng râm cũng khó, nói chi đến nhà cao, máy lạnh. Ở những nơi khó khăn như trên đèo, trong hầm thì cuộc sống cũng như công việc của họ có vẻ ẩn dật. Tài sản mà người tuần đường để lại cho con họ chẳng có gì, bởi vậy con họ muốn nối nghiệp cha cũng khó. Cuộc sống vợ xa chồng, con xa cha vì nơi rừng sâu lấy đâu ra một mái trường. Có nhiều đôi vợ chồng phải gửi con về quê để học, giây phút đoàn tụ sao mà khó thế, bởi càng gần dịp hè, ngày tết thì tàu chạy càng nhiều hơn và công việc của người tuần đường lại vất vả hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.