Hôm nay,  

Chủ Ngoại Quỵt Lương Thợ

21/11/200000:00:00(Xem: 5027)
Bạn,
Theo báo Tuổi Trẻ, vào thượng tuần tháng 11 vừa qua, trong lúc hàng trăm công nhân thuộc công ty Reeypoung ở Sài Gòn do doanh gia Nam Hàn làm chủ phát đơn kêu cứu khắp nơi đòi ban giám đốc công ty phải trả tiền lương 2 tháng còn nợ thì người đại diện cuối cùng của giám đốc công ty cũng đã rời Việt Nam. Trước đó, khoảng 300 công nhân của một công ty ở Gò Vấp tập trung đông đảo tại xưởng sản xuất đòi quyền lợi trong lúc giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị cũng đã cao chạy xa bay. Cũng theo báo Tuổi Trẻ, những trường hợp chủ hãng ngoại quỵt lương thợ như vậy cũng đã xảy ra trong vài năm gần đây, hàng ngàn công nhân đành chịu mất cả tỉ đồng tiền lương khi chủ trốn trách nhiệm.

Về vụ ở công ty Reeyoung, báo Tuổi Trẻ cho biết: sự kiện này đã được Liên đoàn Lao động Tân Bình báo cáo liên tục lên cấp trên do những biểu hiện liên tục vi phạm quyền lợi công nhân kéo dài. Đó là việc chiếm dụng và nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền lương từ tháng 5-2000. Trong khi vụ việc vẫn cầm chừng và biện pháp giải quyết chỉ dừng lại mức kiến nghị, xem xét thì vào ngày cuối cùng của tháng 10, giám đốc công ty kêu gọi công nhân tiếp tục tham gia sản xuất lô hàng trị giá 1 tỷ đồng với lời hứa thanh toán đủ tiền lương. Khi lô hàng xuất xong giám đốc cũng đi luôn. Hàng trăm công nhân chưng hửng vì bị một quả lừa quá đậm. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Tân Bình, cho đến nay, tổng số tiền mà công ty nợ người lao động lên đến gần 200 ngàn đô, chưa kể tiền thuế, nợ mặt bằng, trong khi tài sản mà giám đốc để lại là cỗ máy lỗi thời già cỗi chẳng đáng bao nhiêu.

Báo Tuổi Trẻ nêu ra một trường hợp khác: Tại công ty cổ phần Thành Mỹ, khoảng 300 công nhân rơi vào tình huống bi đát không kém. Toàn bộ giấy tờ tùy thân đã được thế chấp cho chủ nợ vì thiếu tiền nhà, tiền ăn trong hai tháng qua. Các công nhân cho biết phần lớn trong họ đều ở các tỉnh vào thành phố làm ăn. Đồng lương ít ỏi cũng chỉ tạm đủ qua ngày, thế nhưng lương bị cắt đứt đã gần 3 tháng qua do chủ bỏ đi. Ông Phạm Hoàng Hải, một cổ đông của công ty Thành Mỹ, cho biết từ ngày 20 tháng 8-2000, giám đốc đã cùng vợ bay ra nước ngoài, sau đó con và rể là thành viên trong hội đồng quản trị cùng lần lượt ra đi. Món nợ để lại là sự túng quẫn cùng cực của gần 300 công nhân và ít nhất là 4 triệu đô còn nợ các ngân hàng. Ngày 25 tháng 10/2000, toàn bộ công nhân Thành Mỹ đã tập trung về phân xưởng đòi lương mà không có ai giải quyết. Trước bức xúc của công nhân, một số cổ đông đành góp tiền lại giải quyết tạm thời được 60 triệu đồng. Ông Hải cho biết trước tình trạng hỗn loạn tại công ty, một hội nghị cổ đông bất thường được triệu tập, qua đó bầu ra một hội đồng quản trị lâm thời, nhưng hội đồng này đã không được sở Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt. Mục tiêu của Hội đồng quản trị lâm thời là cứu vãn tình trạng vô chủ tại đây, rút 300 triệu còn lại trong ngân hàng để giải quyết tiền lương của công nhân, bảo vệ nhà máy.

Bạn,
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, những tình huống như trên không phải là hiếm hoi. Cách đây 3 năm, vào cuối năm 1997. công ty Juan Việt với 100 % vốn của Nam Hàn, chuyên sản xuất giày, đóng tại quận Tân Bình, đã phải cho hơn 2,000 công nhân tại đây nghỉ chờ việc. Tình hình gay cấn hơn khi càng gần dịp Tết công nhân không có tiền về quê nên đã phản ứng, đòi trả lương. Đại diện công đoàn liên tục báo cáo lên trên, ngân hàng cũng giám sát chặt chẽ các hợp đồng xuất hàng để thực hiện việc trả nợ cho công nhân. Thế nhưng ban giám đốc đã rút về nước và fax qua một số văn bản hứa suông. Đến nay số tiền lương mà công ty còn nợ công nhân vẫn còn khoảng 1.1 tỉ đồng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.