Bình thường có thể ai cũng hiểu sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh, nhưng khi nó đến bất ngờ thì ai cũng sợ, giống như trường hợp 2 người tại Hà Nội đã chết do “vi khuẩn lạ” làm viêm cơ tim khiến cho nhiều người dân lo lắng.
Báo Dân Trí tường thuật về vụ này như sau. Điều tra bước đầu cơ quan y tế Hà Nội nhận định, hai trường hợp tử vong này không có mối liên quan về dịch tễ, không phải lây cho nhau. Bệnh nhân được chẩn đoán nguyên nhân tử vong là viêm cơ tim không rõ nguyên nhân.
Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, cơ quan này đang tiến hành điều tra về thông tin về 2 trường hợp tử vong do "virus lạ" gây viêm cơ tim được đăng tải trên mạng xã hội.
Về mặt y tế dự phòng, nhận được báo cáo về trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân thì đều phải tiến hành điều tra về dịch tễ. Vì thế khi nhận được thông tin về hai trường hợp tử vong gây xôn xao trên cộng đồng mạng những ngày qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã cử cán bộ đến điều tra.
Theo thông tin ban đầu, cả hai trường hợp này đều làm cùng tại một viện khoa học trên địa bàn Hà Nội song ở hai cơ quan khác nhau. Chẩn đoán tử vong của Bệnh viện Bạch Mai là do viêm cơ tim không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân khởi phát với dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi.
Bước đầu, cơ quan chức năng chưa thấy liên quan về dịch tễ, dù cùng là một viện nhưng lại thuộc hai phân viện độc lập với nhau, hai cơ quan khác nhau, nơi ở khác nhau. Hai ca bệnh khởi phát bệnh vào thời điểm khác nhau, cách nhau 1 tuần, không phải lây cho nhau, không như trên mạng xã hội thông tin "lây" cho nhau.
Các chuyên gia cũng chưa nghĩ tới tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết (căn cứ vào triệu chứng và chẩn đoán của bệnh viện) hay do dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào vì cả hai không đi xuất ngoại trong thời gian gần đây. Điều tra nơi làm việc sơ bộ của cả hai cũng chưa thấy ai có biểu hiện tương tự.
Không phải chỉ có con người bị bệnh tật sống chết vô thường mà cả đến gỗ quý cũng bị tai ương vì bị chặt phá tan hoang mà cụ thể là tại Tỉnh Gia Lai, miền Cao Nguyên Trung Phần VN, như báo Dân Trí tường thuật sau đây.
Sau khi báo Dân trí thông tin về tình trạng phá rừng tại xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang, Gia Lai), ngày 26/10 UBND tỉnh Gia Lai thông tin đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trước đó, báo Dân trí đã có có bài điều tra: “Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên!”. Cụ thể, dịp cuối tuần, lâm tặc đã kéo xe độ vào tận cánh rừng làng Đê Btức (xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang) để “xẻ thịt” những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi. Rừng bị phá nhưng chính quyền địa phương lại không biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Krung Dam Đoàn (Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang) cho biết: "Sau khi nắm được thông tin lãnh đạo huyện đã giao cho hạt Kiểm lâm, UBND xã kiểm tra xác minh. Hiện nay, huyện đang phối hợp với cơ quan của tỉnh đến tính hành kiểm đến hiện trường và xác định số khối vi phạm”.
“Theo thông tin ban đầu, thì báo đã phản ánh đúng. Được biết, số cây bị phá là khoảng 11 cây do 2 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng Đê Btưk khai thác gỗ làm nhà. Sau khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin đến báo”, ông Đoàn cho biết thêm.
Tại sao phải đi làm việc bất hợp pháp để kiếm tiền sinh sống mà phải vướng vào vòng lao lý, trong khi có những người nhẫn nại chăm chỉ làm việc rất bình thường mà vẫn có thể sinh sống và nuôi con ăn học lên đại học, như câu chuyện về những bà mẹ đi lượm ve chai của Báo Dân Trí kể dưới đây.
Những người phụ nữ dầm mưa, dãi nắng đẩy chiếc xe cọc cạch vào các con hẻm Sài Gòn để thu mua đồng nát, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học.
Len lỏi vào xóm ve chai trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh (TP.HCM), có rất nhiều phụ nữ làm nghề thu mua đồng nát, sắt, giấy vụn để bán lại cho chủ vựa kiếm lời. Có người đã làm nghề này ngót nghét mấy chục năm.
Họ là những người phụ nữ có chung hoàn cảnh khó khăn, muốn tìm việc làm trang trải cuộc sống để lo cho gia đình. Vất vả, cực khổ đi sớm về khuya nhưng họ vẫn cam chịu, miệt mài chắt chiu từng đồng vì đằng sau những mảnh giấy vụn, đồ nhựa, đồ đồng kia là miếng ăn của cả một gia đình.
Bà Bùi Thị Hường, 50 tuổi, quê Bình Định khoe, nhờ cái nghề ve chai mà bà nuôi 2 con ăn học đại học. Đứa con lớn học ngành Cơ khí giờ đã đi làm ở Bình Dương, đứa con gái út đang học năm 2 Đại học Kinh tế TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Hồng gần 30 năm nhặt ve chai, có 3 người con đều ăn học nên người. Cuộc sống vất vả từ lúc bà lập gia đình, hai vợ chồng sống không hạnh phúc. Chia tay chồng, bà dắt 3 đứa con vào Sài Gòn, bắt đầu với nghề ve chai rồi chắt góp cho con ăn học. Hai đứa con gái nay đã học xong cao đẳng, vừa đi làm, con út học nghề đầu bếp. 'Cô rất tự hào về những đứa con của mình. Nhiều khi đi ve chai cực, vất vả nhưng nghĩ về con là quên mệt', bà Hồng tâm sự. Hiện bà Hồng đang ở cùng 2 người đồng nghiệp trong căn trọ khoảng 20 m2, được thuê với giá 2 triệu/ tháng.
Dù có kinh nghiệm thu mua ve chai gần 20 năm nhưng bà Lê Thị Thu 57 tuổi, quê Bình Định phải thừa nhận nghề này cũng rất 'hên –xui'! Có hôm bà đi thu mua về sớm, bán được nhiều tiền nhưng có hôm bà phải đi mấy chục cây số mới tìm được người bán. Thu nhập mỗi ngày chỉ được khoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng.
Những người con của các bậc cha mẹ này sẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của đồng tiền được làm ra bởi cha mẹ của họ một cách chân chính và rồi đến lượt họ sẽ không bao giờ làm những việc lén lút và bất hợp pháp.
Đó chính là một trong những cách dạy con hữu hiệu và cao quý nhất mà cũng là cách góp phần kiến tạo xã hội công minh liêm khiết và đạo đức nhân bản.