Hôm nay,  

Từ Ô Nhiễm Tới Ung Thư

28/10/201900:00:00(Xem: 1800)

Đó là chặng đường ai cũng thấy rõ: ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm nước uống sẽ dẫn tới nhiều bệnh ngặt ngèo, trong đó có ung thư…

Báo Thanh Niên ghi nhận thống kê: Năm 2018 tại Việt Nam có 165.000 người mới mắc bệnh ung thư, gần 115.000 người bệnh ung thư tử vong. Hiện có hơn 300.000 người đang "sống chung" với bệnh ung thư. Đó là số liệu được báo cáo tại hội thảo "Những tiến bộ của xạ trị trong điều trị ung thư", do Bệnh viện FV cùng các đơn vị tổ chức ngày 12.10, tại TP.SG.

Trong khi đó, báo Lao Động ghi rằng theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nhiều người bệnh đang tin vào những cách điều trị ung thư chưa có cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, người bệnh còn hiểu sai về bệnh ung thư. Nói không với phẫu thuật, nhịn ăn để tế bào ung thư không còn gì để ăn và tự chết, uống sừng tê giác chữa ung thư… là những quan niệm sai lầm về ung thư mà nhiều người Việt đang mắc phải.

Ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, vẫn còn người bệnh có những hiểu biết sai lầm khi điều trị ung thư. Trên  80% bệnh ung thư có thể khỏi ở giai đoạn sớm.

Báo Dân Trí ghi nhận về cuộc nghiên cứu: Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa bang Pennsylvania (Mỹ) cho rằng tập thể dục cũng là thuốc, họ khuyến khích các bác sĩ kê đơn có kèm hướng dẫn tập thể dục như một hình thức điều trị bổ sung cho bệnh nhân ung thư.

Các bác sĩ tại Mỹ và nhiều nước đã kê đơn tập thể dục như một loại thuốc trong hơn một thập kỷ qua cho nhiều loại bệnh như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và đau lưng mãn tính. Song đối với bệnh ung thư, nó không phổ biến... nhóm nghiên cứu nhận thấy thập thể dục trong khi điều trị ung thư có thể giúp cải thiện tỷ lệ sống cho những bệnh nhân ung thư ruột kết, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Tập thể dục aerobic cũng giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm.

Đối với các bệnh nhân ung thư vú, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những bài tập luyện tăng sức mạnh không chỉ an toàn mà còn giúp cải thiện sức khỏe của hệ xương.

Báo Dân Sinh báo động hiện tượng Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng nhưng đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ… Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư... do tác động của ô nhiễm không khí, trong đó trẻ nhỏ, phụ nữ và người cao tuổi thường là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Nghiên cứu của GS Christopher J. L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016 cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ tử vong ở người già, đặc biệt do các bệnh tim mạch, ung thư.

Thói quen xấu cũng là tác nhân bệnh. Bản tin Zing kể: Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là thói quen của nhiều người dân Hà Nội trong thời gian qua khiến không khí ở thủ đô càng thêm ngột ngạt. Liên quan tới tình hình ô nhiễm không khí gần đây tại Hà Nội, ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội, cho hay đun bếp than tổ ong được xác định là một trong 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cảnh báo khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Với đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch, con số này chiếm khoảng 25%. Với bệnh lý hô hấp, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tình hình nước bẩn do nguồn ngước bị xả thải mới đây ở Hà Nội, và nước có rác nhựa hóa học sẽ có độc chất Styren… Bản tin VTC kể: Chuyên gia cảnh báo chất Styren có khả năng gây ung thư, suy gan, suy thận. Theo chuyên gia, nếu nhiễm Styren trong khoảng thời gian dài con người có thể mắc các vấn đề suy gan, thận hay thậm chí là ung thư rồi thiệt mạng.

Theo GS.TSKH. Trần Văn Sung - nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Styren là hợp chất hữu cơ lỏng, không màu, nhẹ hơn nước, không tan, dễ bay hơi và có mùi khó chịu nếu ở dạng đậm đặc. Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm rất độc hại, thường được sử dụng để sản xuất polymer, nhựa, sợi thủy tinh, lớp phủ và thùng xốp…Tuy là chất rất khó để ngấm vào nước, nhưng khi ngấm, Styren dễ bay hơi và phân hủy do vi khuẩn. Styren có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua con đường ăn, uống, hô hấp, hút thuốc lá, khí thải ô tô xe máy, vật liệu xây dựng… Thậm chí, sờ, chạm vào những đồ vật được làm bằng styren cũng bị nhiễm một lượng nhỏ chất này.

Bản tin Infonet ghi lời ông Nguyễn An Thái - Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ và môi trường cho biết, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 1,8 triệu tấn nhựa. Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam mỗi năm tăng từ 3,8kg năm 1990 lên 41kg năm 2015, trung bình mỗi năm tăng 10%. Ngoài ra, Việt Nam thải khoảng 0,73 triệu tấn nhựa ra đại dương mỗi năm.

Ông Thái cũng cho biết, một số tác hại của vi nhựa đến môi trường như gây thương tổn cho các động vật nguyên sinh (là đáy của chuỗi thức ăn đại dương) đang ngày một báo động. Cụ thể, các mảnh vi nhựa có kích cỡ ìm có khả năng xâm nhập qua hàng rào máu não vào não cá, gây thay đổi tập tính của chúng. Không rõ người ăn cá (ăn phải vi nhựa) có có ảnh hưởng ra sao cũng chưa có nghiên cứu cụ thể.

Nhưng một số tác hại đối với sức khỏe con người từ các hạt vi nhựa được dự đoán như gây mất cân bằng hormone trong cơ thể người, hoặc bị nhiễm vi nhựa cỡ micro vào trong máu, não có thể gây ra các bệnh mãn tính... thậm chí ung thư.

Báo Sức Khỏe và Đời Sống kể: Ngay sau khi kết quả xét nghiệm xác định, mùi khét có trong nguồn nước tại các nhà dân ở khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra, nhiều người dân lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng của chất này đến sức khỏe. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng  xung quanh vấn đề này.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mãn tính. Tiếp xúc nghề nghiệp với styrene có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và hệ thống hô hấp, cảm giác đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, trầm cảm… Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém. Phơi nhiễm mãn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột.

Styrene-7,8-oxide gây ung thư dạ dày ở chuột và chuột nhắt cũng như ung thư gan ở chuột nhắt. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy công nhân sản xuất styren có tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ tử vong do ung thư bạnh cầu cao hơn nhóm chứng. Một số bằng chứng gợi ý về phơi nhiễm với styren và ung thư tuyến tuỵ, ung thư thực quản.

Bản tin SOHA kể về lời khuyến cáo: Tập thể dục (TTD) nhằm vận động thể lực nâng cao sức khỏe bằng môn thể thao yêu thích trong điều kiện môi trường, thời gian và thể lực phù hợp với cá nhân mình. Không tập luyện thể thao tại các nơi ô nhiễm không khí cao như ven đường giao thông nhộn nhịp trong thời gian cao điểm của khói bụi (8-18 giờ) và gần các khu sản xuất công nghiệp. Nên luyện tập tại những nơi có nhiều cây xanh, sông, hồ nước trong sạch, thoáng khí như công viên hoặc khu dân cư yên tĩnh, môi trường trong lành. Nên tránh TTD vào những giờ cao điểm giao thông và lắng nghe cơ thể khi có những triệu chứng ho, đau khi hít sâu, khó thở và mau mệt…, cần đi khám đồng thời giảm thời lượng và cường độ tập luyện, nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.