Hôm nay,  

Tăng Trưởng, Đánh Nhà Báo, Du Khách, Nhậu

28/09/201900:00:00(Xem: 2096)

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng chậm lại trong năm 2019, nhưng vẫn là mức tăng nhanh nhất khu vực.

Bản tin VietnamNet kể: Theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

VTC kể chuyện đánh nhà báo trọng thương: Công an truy tìm nhóm côn đồ đánh nhà báo đến xuất huyết não… Một nhà báo làm việc tại Tạp chí Luật Sư ghé vào quán cà phê HD ở thành phố Pleiku, Gia Lai thì bị 3 kẻ lạ mặt đi xe bán tải lao vào đánh tới tấp.

Tối 26/9, công an phường Trà Bá, thành phố Pleiku xác nhận, đơn vị đang lấy lời khai của những người liên quan đến việc một nhà báo bị nhóm côn đồ đánh bị thương nặng. Người bị đánh là ông Kiều Đình Liệu, hiện công tác tại Tạp chí Luật Sư.

Báo SGGP kể: Báo cáo tại Hội nghị Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vừa diễn ra mới đây tại TP Đà Nẵng, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, qua 7 tháng đầu năm dù đón 9,8 triệu lượt khách quốc tế (khách Trung Quốc khoảng 2,9 triệu lượt), tăng 7,9% so với cùng kỳ, nhưng du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại (cùng kỳ năm 2018 tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 25,4% so với cùng kỳ 2017). Nguyên nhân do thị trường khách Trung Quốc giảm 2,8%, thị trường Úc giảm 1,2%. “Chỉ cần thị trường khách Trung Quốc sụt giảm thì khó có thị trường khách nào thay thế được, nhất là trong thời gian ngắn hạn”, ông Siêu nói.

Báo Thời Đại kể chuyện Cà Mau: Mẫu thuẫn khi nhậu, hai anh em ở Cà Mau tử vong với vết đâm trên người… Lời qua tiếng lại trên khi nhậu, Nguyễn Văn Tùng (55 tuổi, ngụ Cà Mau) cầm dao đâm chết người em bà con cô cậu tại mâm nhậu, rồi tự đâm vào người tự sát.

Báo Tiền Phong kể chuyện chung cư xịn Hà Nội: dân chung cư cao cấp mang xô, chậu xếp hàng chờ mua nước… Bị cắt nước nhiều ngày qua, cư dân chung cư CT3 tại 81 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư phải mang xô, chậu xếp hàng để chờ mua nước.

Những ngày gần đây, nhiều cư dân sống tại chung cư CT3 (số 81, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục cầu cứu các cơ quan chức năng khi chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội (Công ty C'land) đã tự ý cắt nước sinh hoạt của người dân.

VnExpress kể về Quảng Nam: Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch ước đạt trên 4 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó lượng khách quốc tế ước đạt trên 2,5 triệu lượt, tăng 24% với cùng kỳ năm 2018, đạt 59%. Thống kê của Phòng Văn hóa Thể thao thành phố Hội An cho thấy, từ năm 2013 - 2017 tổng lượng khách đến Hội An đã tăng gấp 2 lần (từ hơn 1,6 triệu lên 3,3 triệu lượt), tốc độ phát triển bình quân 5 năm đạt gần 119%.

Báo Cung Cầu kể về thị trường Liên Âu (EU): Mất thị trường EU, thủy sản Việt Nam sẽ gặp khó ở thị trường khác… Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định nhận định về sự cấp thiết tháo gỡ thẻ vàng EU trong ngành thủy sản.

Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất cảng hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập cảng hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Báo Đồng Nai kể về danh hiệu rao bán um xùm để vinh danh doanh nghiệp (DN): Một DN trong lĩnh vực đào tạo nghề, ngoại ngữ và dịch vụ du học ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, việc các đơn vị, tổ chức mời gọi DN tham gia giải thưởng các loại là chuyện… thường ngày, mặc dù chưa khi nào DN này được tiếp xúc trực tiếp. Cách thức mà những người tổ chức ra danh hiệu mời gọi là qua thư, email hoặc gọi điện thoại.

“Họ thường mời chúng tôi tham gia các chương trình tôn vinh đủ loại danh hiệu như: “sản phẩm bán chạy nhất”, “sản phẩm được người dùng ưa chuộng nhất” hay “thương hiệu uy tín, chất lượng”, “thương hiệu Việt Nam được tin dùng”… rất phiền phức, trong khi DN chúng tôi không có nhu cầu vì quy mô còn rất nhỏ. Hơn nữa, chúng tôi chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, không sản xuất ra sản phẩm nên cũng không biết sản phẩm bán chạy để làm gì” - chủ DN này cho hay.

Zing kể: Tài xế taxi giúp sản phụ sinh con trên xe… Đưa xe đón bà bầu 29 tuổi rời nhà được 1 km thì vị khách trở dạ. Nam tài xế một hãng taxi có chi nhánh tại Quảng Trị xắn tay áo vào phụ giúp sản phụ mẹ tròn con vuông. Ngày 26/9, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc một công ty taxi tại Quảng Trị tổ chức buổi tuyên dương một tài xế đã phụ giúp đỡ đẻ thành công cho sản phụ mẹ tròn con vuông.

Báo Một Thế Giới kể chuyện xe ôtô: Nói về áp lực nhập cảng linh phụ kiện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam ngày 24.9, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho biết giá xe ở Việt Nam cao chủ yếu là do phụ thuộc nhập cảng linh phụ kiện. Ở Việt Nam, để lắp ráp, sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất phải nhập khoảng 80% linh phụ kiện, trong khi con số này tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia...) là 10-20%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, để phục vụ lắp ráp trong nước, trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã nhập cảng các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhập cảng bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).

Báo Doanh Nghiệp Hội Nhập kể: Ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại nên giá sẽ tăng tới năm 2020.t

...Nguyên nhân là do nguồn cung sụt giảm mạnh với việc 4,5 triệu con lợn (10-12% nguồn cung) đã bị tiêu hủy cho tới cuối tháng 8 trong khi người dân vẫn còn do dự về việc tái đàn.

Bản tin Gia Đình Net/Dân Trí kể: Không may bị mắc căn bệnh “xương thủy tinh” bẩm sinh, em Đỗ Trần Tú Uyên (sinh năm 2000, ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chỉ nặng chưa đầy 12kg. Nhưng với nghị lực phi thường vươn lên trong học tập, Tú Uyên đã trở thành sinh viên năm thứ nhất lớp Công nghệ thông tin K19, Trường Đại học Tây Nguyên.

...Do mắc bệnh bẩm sinh, cộng với nhiều lần bị gãy xương và các chứng bệnh khác như tim, phổi, dạ dày, phế quản nên sức khỏe của Uyên rất yếu và em hoàn toàn không tự đi lại được. Trọng lượng cơ thể Uyên chưa đầy 12kg, các chân bị teo lại, biến dạng, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ mẹ giúp đỡ.

Báo Đấu Thầu kể chuyện TP.SG: Chủ nhà thuốc tố công ty bảo vệ chiếm nhà, dọn tài sản trị giá hơn 40 tỷ đồng… Dù có hợp đồng bảo vệ an ninh trật tự, tài sản nhà thuốc Mỹ Châu nhưng một công ty bảo vệ lại khóa cửa, chiếm giữ tài sản trái phép của chủ nhà và có những hành động dọa dẫm, uy hiếp, coi thường pháp luật.

Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.SG đã tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Mỹ Châu (ngụ quận 3) tố cáo một công ty bảo vệ đã lợi dụng tín nhiệm, câu kết với các đối tượng xã hội đen, chiếm đoạt nhà và tài sản.

VTV kể chuyện Sài Gòn không ngủ: Nhiều tiệm game phớt lờ lệnh cấm mở cửa sau 22h… những quán game như trên đa phần bên ngoài đóng cửa, nhưng bên trong luôn hoạt động náo nhiệt. Thậm chí, chủ quán còn để số điện thoại trước cửa cho nhiều bạn trẻ tiện liên lạc khi đến đây.

Chính vì mở cửa 24/24h, phục vụ đồ ăn thức uống tận tình, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại móc tiền ra để ngồi cày game thâu đêm suốt sáng. Theo khảo sát của nhóm phóng viên, dù đã quá 22h nhưng có rất nhiều quán trên nhiều địa bàn quận TP.SG vẫn bất chấp lệnh cấm để hoạt động.

VOV kể chuyện tàu cá nằm bờ: Đóng mới tàu cá nhưng nguồn lợi thủy sản giảm sút, ngư lưới cụ lạc hậu khiến nhiều chủ tàu cá ở Quảng Nam quyết định nằm bờ. Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Nam đóng mới tàu công suất lớn. Tuy nhiên, dù tàu to, máy lớn, nhưng thời gian gần đây việc đánh bắt hải sản đạt năng suất thấp, giá cả bấp bênh, chi phí mỗi chuyến đi biển tăng cao, dẫn đến nhiều ngư dân chuyển sang làm nghề khác. Cũng theo phản ánh của ngư dân, hiện nay nhiều tàu cá xuống cấp không có kinh phí sửa chữa khiến cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.