Hôm nay,  

Nhập Cảng, Cô Giáo, Ngoại Ngữ, Biển Sóng

03/09/201900:00:00(Xem: 1895)

Kinh tế Việt Nam đang nhập cảng tăng vọt hàng  điện tử, máy tính, thiết bị máy móc…

Bản tin VietQ kể: Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây về nhập cảng các mặt hàng trong 8 tháng năm 2019 cho thấy, đã có 33 mặt hàng nhập cảng vượt 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập cảng, trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử, nhập cảng nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 33,6 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập cảng, tăng 21%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập cảng vải đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,8%; chất dẻo đạt 6 tỷ USD, tăng 2%; ô tô đạt 4,9 tỷ USD, tăng 60,3%.

Báo Dân Trí kể về một cô giáo ngoại ô Sài Gòn: Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò… Những tuần qua, khi học sinh nhập học, cũng là lúc cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, xã An Phú, Củ Chi, TP.SG lại tất tả đi khắp nơi xin sách rồi chở sách về để tặng lại cho học trò.

Cô xin sách giáo khoa, sách đọc, cặp cũ, áo trắng cũ, hộp bút, giày dép cũ... tất cả những thứ mà học trò có thể dùng. Để kịp nhận sách cho các em, cô di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác, liên tục từ các quận.

Ngoại ngữ dỏm, tin học ma… Báo Thanh Tra kể: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công khai danh sách gần 50 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học. Trong danh sách có 14 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và hàng loạt trung tâm… Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo.

Người Lao Động nêu câu hỏi: Biển Bình Thuận nguy hiểm, vì sao? Chỉ trong vòng nửa tháng, 10 người đã chết đuối trên vùng biển Bình Thuận do bị nước cuốn. Điều gì khiến biển Bình Thuận nguy hiểm đến vậy?

Theo tiến sĩ Lê Đình Mầu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, bờ biển Bình Thuận nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chịu tác động mạnh của sóng trong cả 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Chính lý do này nên vùng biển Bình Thuận thường xuất hiện những dòng Rip (Rip Current), tức dòng chảy rút xa bờ, có hướng vuông góc với bờ, vận tốc khá lớn đủ để kéo người tắm biển ra ngoài khơi mà không bơi vào được trong cả 2 mùa gió.

Bản tin Zing kể: Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 năm nay đạt khoảng 1,5 triệu lượt, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, du khách đến Việt Nam đạt khoảng 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 8 tháng đầu năm, đa số các thị trường khách đều tăng. Cụ thể, Thái Lan 46,3%; Đài Loan (Trung Quốc) 27,1%; Indonesia 19,7%; Hàn Quốc 22,5%; Philippines 18,2%; Nhật Bản 13,7%; Malaysia 14,6%; Italy 8,9% và Na Uy 7,1%.

Báo Nhân Dân kể chuyện: Dạy và học chữ Khmer ở Sóc Trăng… Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng có 152 trường, kể cả các trường phổ thông dân tộc nội trú có dạy tiếng Khmer, gồm 1.609 lớp, với 41.780 học sinh. Trong đó, tiểu học 108 trường với 1.224 lớp, có 30.092 trong tổng số 42.159 học sinh dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm 71,37%, trung học cơ sở có 35 trường với 336 lớp, có 10.076 trong tổng số 19.673 học sinh dân tộc Khmer học tiếng chữ Khmer, chiếm 51,21%; trung học phổ thông có 9 trường, 49 lớp với 1.601 trong tổng số 4.520 học sinh học chữ Khmer, chiếm 35,42%. Về đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer, tỉnh có gần 400 giáo viên, bao gồm cả giáo viên kiêm nhiệm, trong đó có hơn 80% số giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Bản tin VOV kể: Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp có tính chất dẫn dắt, đến nay, nông nghiệp đã trở thành một nền sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế sâu sắc, luôn là "bà đỡ" của nền kinh tế. Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất cảng toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt 486,2 triệu USD; năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, thì đến năm 2018, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất cảng toàn ngành đã đạt 40,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc về xuất cảng nông lâm thủy sản lớn trên thế giới, với 10 mặt hàng kim ngạch hàng năm đạt 1 tỷ USD.

Báo An Toàn Giao Thông kể rằng theo Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho hay: Tình hình hoạt động các phương tiện xe đưa đón học sinh trên địa bàn hiện nay là một trong những vấn đề nóng, cần cương quyết xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo ANTT, ATGT cho học sinh, ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với học sinh.

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, xe đưa đón học tại các trường học có nhiều hình thức hoạt động khác nhau, cụ thể có xe đưa đón học sinh là xe nội bộ của nhà trường, có xe lại được một nhóm phụ huynh hợp đồng thuê, có xe được giáo viên thuê để đưa đón học sinh.

Báo Một Thế Giới kể về lễ hội Đức trên đất Ta: Lễ hội Oktoberfest sắp diễn ra tại TP.SG và Hà Nội… Trong tháng 9 và 10, lễ hội bia Đức GBA Oktoberfest Việt Nam 2019 sẽ diễn ra tại 2 khách sạn lớn tại Sài Gòn và Hà Nội.

Lễ hội GBA Oktoberfest Việt Nam 2019 là dịp để thực khách trải nghiệm không khí lễ hội và đời sống tinh thần, nền văn hóa ẩm thực đậm chất Bavaria của nước Đức ngay tại Việt Nam.

Báo Công An ND kể: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, số lưu học sinh Campuchia chiếm gần 1/5, với khoảng 4.000 người. Trong số này, có 800 lưu học sinh theo diện học bổng. Cũng theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam đang tích cực biên soạn và tới đây xuất bản bộ từ điển tiếng Việt - tiếng Khmer, tiếng Khmer - tiếng Việt.

VietnamNet kể: Bà Tân Vlog (tên thật Nguyễn Thị Tân - 58 tuổi, Bắc Giang) là một trong những Youtuber nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Người phụ nữ này trở thành một hiện tượng mạng khi sở hữu kênh Bà Tân Vlog lọt vào top 3 kênh Youtube đạt nút vàng (1 triệu người theo dõi chỉ sau 60 ngày) nhanh nhất thế giới.

Một số Youtuber nhận định kênh Bà Tân Vlog hiện đã có hơn 3 triệu lượt theo dõi, cách 2-3 ngày lại đăng tải video mới, mỗi video đều có khoảng 1-3 triệu lượt xem. Vì vậy, bà Tân có thể kiếm được số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng không khó. Con số 300 triệu VND/tháng (gần 13 ngàn đôla/tháng, chính xác là 300,000,000 VND = 12,906.60 USD).

Giáo Dục & Thời Đại kể rằng nhiều sinh viên Đài Loan rủ nhau học tiếng Việt: Trong những năm gần đây, số lượng du khách nước ngoài đến Đài Loan, Trung Quốc không ngừng tăng, chạm mức kỷ lục 11 triệu lượt khách/năm, trong đó khách tới từ Việt Nam đóng góp một lượng không nhỏ. Quá tải ở đại học: Tại Đại học Đài Loan, đã có thời điểm có em phải ngồi dưới đất và đứng ngoài cửa để xin học tiếng Việt. Những năm gần đây, số sinh viên đăng kí học tiếng Việt tăng vọt lên 40 - 50 người/một lớp dẫn đến tình trạng những ngày đầu của mỗi học kì bao giờ cũng quá tải. Các em đứng tràn cả ra hành lang, chỉ đợi đến hết giờ để lấy lá phiếu bốc thăm có được học tiếp không? Vì trường quy định mỗi lớp tiếng Việt chỉ từ 20 - 25 sinh viên.

Báo Lao Động Thủ Đô kể: Với những lợi thế sẵn có của “vùng đất trăm nghề”, thành phố Hà Nội đã và đang tận dụng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho nông dân. 

Hiện các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận.

Báo Đấu Thầu kể: Festival - một sản phẩm du lịch đã "hái ra tiền" của thế giới nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả ở Việt Nam - quê hương của hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ. Tuy nhiên, sau gần hai thập niên, Festival Huế dù thành công khi trở thành một điểm đến của du khách khi tới Huế nhưng lại không phải thương hiệu đầu tiên họ nghĩ khi nhắc tới Việt Nam. Sau Huế, rất nhiều festival khác cũng được tổ chức ở các địa phương như Festival Du lịch Hạ Long, Festival Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Thuyền Buồm Mũi Né Bình Thuận, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu, Festival Biển Nha Trang, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên, Festival Lúa gạo Nam Bộ, Festival Hoa Đà Lạt… nhưng khả năng duy trì thường xuyên cũng như dấu ấn, hiệu quả để lại vẫn là điều cần suy nghĩ.

Kinh Tế Đô Thị kể: Theo Tổng cục thống kê, trong tám tháng đầu năm 2019, cả nước có 90.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.150,7 ngàn tỷ đồng. Con số trên tăng 3,5% về số lượng DN và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 25,5 ngàn DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên gần 116 ngàn DN, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Địa cầu ngày càng nóng hơn, biến đổi khí hậu (BĐKH) gay gắt hơn, biển ngày càng dân cao hơn, nhiều vùng ven biển Việt Nam đang sạt lở tới mức báo động, diện tích nông nghiệp ở nhiều vùng đồng bằng bị biển xâm thực và ngập mặn nhiều hơn…
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng chậm lại trong năm 2019, nhưng vẫn là mức tăng nhanh nhất khu vực.
Du khách tới Sài Gòn tăng đều… Tiền thu nhờ du lịch tăng đều…
Du học sinh không muốn về lại Việt Nam… Không ai muốn về cả.
Hít thở cũng là một khó khăn mới tại Sài Gòn… khi không khí bỗng nhiên ô nhiễm hơn.
Giảm giờ làm có nên không? Hầu hết người lao động đều muốn giảm bớt giờ làm việc…
Ngang ngược là kiểu Trung Quốc truyền thống… Hung hăng để chiếm đất, chiếm biển… May mắn thời này còn quốc tế.
Lại mưa lụt Đồng Nai… nơi trước giờ mưa thuận gió hòa so với các tỉnh Miền Trung…
Đòi nợ bằng bạo lực là một hiện tượng đáng sợ tại nhiều thành phố lớn. Đòi nợ thuê là một dịch vụ gây kinh hoàng…
Gần đây, thấy có người gọi Việt Nam là “xứ Đông Lào”… chữ này thoạt nghe hơi khó hiểu, nhưng nghĩ một chặp mới hiểu ra, rằng VN là đất nước phía Đông nước Lào, cũng một dạng chậm tiến y hệt như “chính chủ nước Lào”…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.