Hôm nay,  

Hiểm Họa Từ Hồ Nước

29/07/200000:00:00(Xem: 5503)
Bạn,
Theo báo Tuổi Trẻ, cách đây hơn 10 ngày, vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17/7, một đoạn bờ bao dài 8 km của bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn bị bể. Toàn bộ nước đen thải ra từ rác ở một hồ chứa nơi góc phía tây bãi rác tuôn ra gây thiệt hại nặng nề tài sản và ảnh hưởng đến môi trường. Có 19 gia đình sống bằng nghề nhặt phế liệu dưới chân bãi rác gần chỗ bể thoát chết. Một gia đình kể lại họ đang ngủ thì nghe tiếng nổ bình, rồi nước tuôn mạnh vào nhà. Họ chỉ kịp lôi những đứa nhỏ ra khỏi nhà, còn quần áo, tiền bạc, đồ đạc trôi đi hết, thậm chí có người đã uống phải nước đen. Một căn nhà làm bằng tre bị đổ, các căn còn lại ngập trong rác và bùn. Hiện trường được ghi lại lúc 11 giờ cùng ngày là một đồng lúa đang trổ bị ngã rạp, bờ ruộng sạt lở, một vườn cây ăn trái ngập trong nước đen, có nhiều cây bị trốc gốc, nước sông cách đó 50 mét đen ngòm, cá chết nổi lên.

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, bãi chứa rác Đông Thạnh có diện tích khoảng 40 ha với hệ thống tường bao quanh chạy dài đến vài cây số. Bên trong, rác từ năm này qua năm khác tích tụ lại tạo thành một quả đồi với chiều cao có thể lên đến cả chục mét. Ở các lớp rác cũ, người ta lấp một lớp đất phủ lên trên bề mặt nên xe chở rác có thể chạy qua đống rác như chạy qua đồi đất. Tuy vậy, bãi rác luôn bị bao phủ bởi mùi hôi thối. Còn các vũng nước mưa trên quả đồi này thì sôi sùng sục với các bọt khí mê-tan. Đây đó, những đám khói bốc lên vì bị rác cháy ngầm bên dưới.

Cũng theo báo Thanh Niên, ở một số góc của bãi rác, do còn khoảng trống nên nước từ núi rác này rỉ ra, và bị các tường bao chắn lại nên hình thành các hồ nước thải. Kích thước các hồ này rất lớn, có thể kéo dài đến vài trăm mét và sâu vài mét. Nước trong các hồ có màu đen, đặc quánh và thực sự là mối hiểm họa với môi trường sinh thái. Điều nguy hiểm là các hồ nước lại nằm ở trên cao so với địa hình chung quanh. Thậm chí đáy ở các hồ nước cũng có thể cao hơn nóc nhà của một số hộ dân sống bên ngoài tường bao và con sông cạnh đó.

Báo Thanh Niên phân tích rằng vấn đề nằm ở chỗ các tường cao. Chúng chịu một áp lực lớn do mực nước dâng lên khá cao, nhưng chúng lại quá mỏng manh. Đúng ra, ở đây thậm chí phải đắp đê mới có thể chịu áp lực nước, nhưng bờ tường được làm bằng các tấm sắt mỏng cỡ vài milimét, được gắn vào các trụ đỡ bê tông khá yếu. Do nước ở trong hồ là nước thải từ rác, có thể chứa nhiều chất ăn mòn kim loại, nên các tấm sắt mỏng nhanh chóng bị phá hủy. Tại nơi tường bị vỡ, phóng viên phát giác thấy dấu hiệu ăn mòn kim loại và làm mục nát bê tông.

Nhắc lại tai nạn vừa qua, báo Thanh Niên viết: đây chính xác là vụ vỡ đê. Hàng vạn mét khối nước thải tuôn ào ạt qua chỗ vỡ rộng khoảng 5 mét và tức khắc tạo nên một cơn lũ nước thải. Cư dân bị nạn cho biết, nước dâng lên đến cổ của họ. Hiện mức nước trong hồ bị vỡ tường bao đã bị hạ thấp xuống, nhưng chắc chắn một thời gian sau sẽ dâng lên như cũ. Và đây cũng chỉ là một trong những bãi rác khổng lồ này.

Bạn,
Theo báo Thanh Niên, nước thải từ hồ này chảy ra sông Rạch Tra và đổ vào sông Sài Gòn. Cơn lũ nước thải vừa qua đã cho thấy mức độ độc hại của nó: cá ở sông Rạch Tra bị chết nổi lên và lúa bị chết hàng loạt. Như vậy, nếu sông Sài Gòn cứ hứng chịu những cơn lũ như thế thì chẳng bao lâu sẽ bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đối với cư dân: nước ô nhiễm lan ra trên đồng ruộng, ngấm xuống các lớp ngầm thâm nhập vào nước sinh hoạt của cư dân thành phố.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.