Hôm nay,  

Hạn Hán Ở Miền Tây

23/02/200600:00:00(Xem: 5521)
Bạn,

Theo ghi nhận của báo SGGP, các tỉnh miền Tây Nam phần đang đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt. Đợt gió chướng cách nay khoảng một tuần đã đưa nước mặn từ biển tràn vào đất liền đến 30-40km và sẽ lấn sâu hơn trong những ngày tới, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nông dân.

Báo SGGP cho biết: tại Bến Tre, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn địa phương, Tre, hiện nay nước mặn đã tràn vào 4 cửa sông: Ba Lai, Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên.. Điều đáng lo ngại là liên tục những ngày qua độ mặn lên cao và có chiều hướng lấn sâu vào đất liền. Một viên chức UB tỉnh Bến Tre nhớ lại: "Mùa khô năm ngoái, Bến Tre bị mặn bao vây đến 3 tháng, gây thiệt hại lớn về sản xuất. Hàng ngàn gia đình tại thị xã thiếu nước ngọt kéo dài."

Cũng theo báo SGGP, tình hình tại các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang cũng khó khăn không kém. Đến chiều ngày 21-2, tại tỉnh Tiền Giang nước mặn đã xâm nhập địa phận huyện Chợ Gạo (cách biển 30-35km). Hiện tại, ngành thủy lợi Tiền Giang đã đóng các cống ngăn mặn ở Gò Công Đông và Gò Công Tây, đồng thời lấy nước ngọt ở cống Xuân Hòa (Chợ Gạo) tích trữ phục vụ vùng ngọt hóa Gò Công. Tuy nhiên, khả năng đầu tháng 3 thì cống Xuân Hòa cũng bị mặn và lúc này mọi chuyện phải nhờ... mưa. Tại Kiên Giang, mặn xâm nhập sâu vào các huyện thuộc bán đảo Cà Mau. Ngành thủy lợi phải đắp 74 đập ngăn mặn và yêu cầu nông dân thu hoạch sớm lúa đông- xuân; sau đó phơi đất chờ mưa xuống mới sạ lại để tránh thiệt hại.

Báo SGGP ghi nhận rằng hạn hán và xâm mặn ở miền Tây Nam phần ngày càng gay gắt và phức tạp, tuy nhiên đến nay, giải pháp đối phó chưa mang lại hiệu quả cao. Hàng năm các tỉnh đầu nguồn đầu tư hàng chục tỷ đồng làm thủy lợi nhưng vẫn không bảo đảm được nước tưới trong mùa khô. Nhiều nơi phải áp dụng bơm chuyền 2- 3 cấp tốn kém lớn. Riêng vùng cuối nguồn đang rơi vào "vòng vây" nước mặn, khiến việc sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp khó và luôn bị động. Điều đáng lo ngại là dọc các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long nước mặn lấn vào đất liền ngày càng mạnh.

Bạn,

SGGP dẫn lời nhà khí tượng Bùi Đạt Trâm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang, phân tích về tình hình nước mặn xâm nhập tại miền Tây như sau: "Hoạt động của dòng mặn phụ thuộc vào lượng nước đầu nguồn và lực hấp vũ trụ gây ra. Năm nào lũ đầu nguồn nhỏ và kết thúc sớm thì mặn sẽ lấn sâu vào đất liền. Mặt khác, việc khai thác nước ven sông một cách vô tội vạ cũng góp phần cho nước mặn tấn công".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.