Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Trần Thiện Thanh

13/05/201700:00:00(Xem: 5975)
Hôm nay là ngày 13 tháng 5 năm 2017. Vậy là hơn một thập niên, tròn một con giáp.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh từ trần ngày 13 tháng 5 năm 2005. Trần Thiện Thanh là một ngọn núi âm nhạc, một thời đứng riêng một cõi.

Nhạc sĩ họ Trần ra đi, nhưng di sản của ông vẫn trải rộng trong dòng sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc, cả trong và ngoài nước, bất kể cấm cản chính trị từ Hà Nội. Dự kiến, tuổi thọ nhiều ca khúc Trần Thiện Thanh sẽ dài lâu hơn tuổi thọ của Đảng CSVN. Xin chờ xem hồi sau (lúc CSVN sụp đổ) sẽ rõ.

Nhà văn Phan Nhật Nam trong bài viết năm 2009 nhan đề “Trần Thiện Thanh và Bằng Hữu” đã ghi nhận về cả tấm lòng và tài năng nhạc sĩ họ Trần, trích:

“Trần Thiện Thanh không chỉ viết lời ai điếu bi tráng riêng cho Đại Úy Hùng của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến với nhạc phẩm Rừng Lá Thấp mà đã dựng lại phút giây khốc liệt của Mũ Đỏ Phước Thiện Trần Duy Phước nơi chiến địa Tây Ninh trong Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh. Anh chuyển thành bất tử Đại Úy Kỵ Binh Thiết Giáp Bắc Đẩu Nguyễn Ngọc Bích dẫu xác thân vỡ tan ba lần bởi đạn pháo. Nhật Trường sống đủ nỗi đau của Người Goá Phụ Ngây Thơ tuổi vừa đến hai-mươi, ngày mai đi nhận xác chồng với trái tim kiệt lực không còn khả năng được khóc. Chính Nhật Trường Trần Thiện Thanh chứ không ai khác đã đánh động lương tâm, tình cảm của người dân Miền Nam để tất cả thấy ra điều đơn giản cao thượng: Ai là Người Bảo Vệ Miền Nam trong suốt hai-mươi năm của một thời lịch sử điêu linh (1955-1975) mà cái chết cùng khắp, oan khuất luôn bất ngờ chụp xuống như cuộc chia ly bi thương của người thiếu nữ tên gọi Mộng Thường.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã sống toàn diện một cuộc đời nơi Miền Nam bằng trái tim, với khối óc để vẽ nên chân dung đích thực về Con Người trong Chiến Tranh. Hình ảnh Người Lính trở nên thân thiết, người dân dần quen thuộc với những địa danh, nơi chốn người lính nằm xuống để thực hiện nên điều kỳ diệu xả kỷ mà họ không hề nói nên lời: Bảo Quốc-An Dân. Trần Thiện Thanh Nhật Trường đã thay mặt Người Lính xác nhận Sứ Mệnh Vinh Hiển Cao Thượng nầy trước Quốc Dân, trên Quê Hương, suốt Lịch Sử dẫu hôm nay đã là ba-mươi bốn năm sau 1975.”(ngưng trích)

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Duy, một người thế hệ sau, trong bài viết nhan đề “Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Anh Vẫn Sống…” trong năm 2012 đã kể về một thế hệ trẻ nghe nhạc, trích:

“Những đứa bạn tôi -- Mai, rồi Quân lấy khai sinh của người khác để đầu quân gia nhập quân đội. Sau 1975 tôi chưa thấy ai nhắc đến những thanh niên miền Nam như Mai, như Quân đã tình nguyện gia nhập quân đội mặc dầu chưa đến tuổi thi hành quân dịch.

Vẫn biết đi vào cuộc chiến là đi vào cõi chết chúng tôi vẫn nóng lòng sửa sọan. Tại sao lại ước mơ và sửa sọan bước vào chiến tranh thay vì nghe lời người lớn du học: Tôi yêu được làm người lính. Khi còn nhỏ mỗi lần nghêu ngao hát bài: “Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo treillis …” là mỗi lần được gia đình khuyên nhủ ráng học để giúp nước giúp nhà.

Tôi yêu đời lính nên cũng yêu nhạc lính và tôi yêu nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh.”(ngưng trích)

Nhà văn Lê Ngọc Châu trong bài viết nhan đề “Dòng Nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh" trong năm 2017 đã viết, trích:

“Trước 1975 anh đã cho ra đời nhiều bản nhạc tình liên quan đến tuổi học trò và người lính VNCH vì hoàn cảnh đất nước chiến chinh, vì cộng sản Bắc Việt thời đó luôn tìm cách thôn tính miền Nam nên đành phải xếp bút nghiêng lên đường thi hành nghĩa vụ không ngoài mục đích bảo vệ miền Nam VN tự do cho đến ngày VNCH mất. Cũng dễ hiểu thôi vì tuổi học trò là lứa tuổi hồn nhiên với nhiều mơ ước, lứa tuổi đong đầy kỷ niệm với những mối tình thật thơ mộng… Tuy nhiên điều làm cho tôi thích là vì Anh đã khéo léo gợi lại kỷ niệm, tình yêu vừa lên men thưở còn là học trò mà trong mỗi chúng ta ít nhiều đã có lần trải qua.”(ngưng trích)

Theo Tự Điển Bách Khoa Mở, Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng ("tứ trụ nhạc vàng"), ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết (Bình Thuận). Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông cũng làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Quân Đội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi ("nữ hoàng" của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn). Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là "Tiếng Hát Đôi Mươi".

Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh VTVN và đài Truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay diễn chung với Thanh Lan.

Đóng chung với Thanh Lan trong phim Trên đỉnh mùa đông.

Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kì đó và loạt nhạc cảnh này đã được chuyển thành phim với tên Trên đỉnh mùa đông.

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.

Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan.

Tại Mỹ ông lập hãng đĩa riêng Nhật Trường Productions và đồng thời cộng tác với Trung tâm Asia, Trung tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions...

Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California (Hoa Kỳ) do bệnh ung thư phổi.

Xin góp lời tưởng nhớ Trần Thiện Thanh -- một người nhạc sĩ hiện thân đúng như lời nhạc anh đã viết:

“Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con;

Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời hành cơn lụt mỗi năm… bây giờ mưa lụt kéo tới hoài, mới lạ…
Quốc doanh có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài, nhiều dự án có lời đã giảm và các dự án lỗ lại tăng…
Câu chuyện ô nhiễm môi trường càng lúc càng bi thảm… không chỉ thiên nhiên làm cho đời sống gian nan hơn, ngay chính con người cũng làm thêm tệ hại.
Thành Cổ Loa bây giờ còn gì? Vẫn còn đứng vững sau hơn hai ngàn năm? Thực ra là điêu tàn, những vẫn còn đủ để kinh doanh du lịch.
Có ai hài lòng với chất lượng không khí ở hai thành phố lớn không? Có, và có rất ít.
Trong khi đội tuyển Việt Nam thắng đội Indonesia với tỷ số cách biệt, một tin buồn cho ngành du lịch y tế Việt Nam là một Việt Kiều về Sài Gòn căng da mặt và chết cũng vì ca giải phẫu của bệnh viện thẩm mỹ…
Cổ vật rồi cứ chắp cánh bay xa… vĩnh viễn xóa đi những quá khứ văn hóa.
Việt Nam đang có bao nhiêu người mù chữ? Câu trả lời theo thống kê là khoảng một triệu rưỡi người mù chữ.
Cứ vào ngày 11 tháng 10 hàng năm, thế giới lại đón Ngày Quốc Tế Trẻ Em Gái (International Day of the Girl Child), còn gọi là Ngày Trẻ Em Gái (Day of Girls) – một ngày để gây ý thức về các vấn đề mà 1.1 tỷ bé gái trên thế giới phải đối diện, và cũng là ngày để tăng thượng quyền trẻ em, đặc biệt là quyền trẻ em gái.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tránh né bảo hiểm xã hội…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.