Hôm nay,  

26 Năm Chăm Sóc Cổ Thụ

17/01/200500:00:00(Xem: 5613)
Bạn,
Tại thị xã tỉnh lỵTrà Vinh, có khoảng 700 cây cổ thụ từ 100 tuổi trở lên, 26 năm qua, công việc mé nhánh và chăm sóc những cây cổ thụ này được giao cho một phụ nữ tên là Nguyễn Thị A. Dù đã có nhiều người thử việc nhưng do công việc quá nguy hiểm, đến nay vẫn chưa có ai thay thế phụ nữ này. Báo Người Lao Động viết về chị Nguyễn Thị A như sau.
Theo lời một viên chức Đội Quản lý công viên cây xanh tỉnh Trà Vinh, công việc quá phức tạp và nguy hiểm, nên nhiều người thử việc đúng một ngày đã chạy. Do đó, hiện tại nhân viên của đội chỉ tỉa và mé nhánh những cây có độ tuổi từ 100 năm trở xuống; khoảng 700 cây cổ thụ từ 100 tuổi trở lên giao cho chị Nguyễn Thị A phụ trách. Sau 26 năm gắn bó với nghề,giờ đây chị A biết rõ tường tận cây cổ thụ nào bao nhiêu tuổi, bị bệnh gì và phải mé nhánh làm sao cho phù hợp với mỹ quan thị xã. Chị giải thích: "Khi nhìn sơ qua một nhánh cây cổ thụ bị khô cành và trụi lá, nhiều người đoán rằng nó đã bị bệnh và cần phải chặt cành. Nhưng khi tôi "khám" qua... bằng mắt thì biết được nó chỉ bị thiếu nước hay thiếu chất dinh dưỡng nên không thể vội chặt nhánh mà phải dưỡng lại. Vì nếu chặt nhánh, cây sẽ bị động mà chết từ từ". Đấy chính là lý do vì sao mấy chục năm qua, chị A giữ được công việc này.

Chị Nguyễn Thị A sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Châu Thành (Trà Vinh). Khi mới vào lớp 1, chị chịu cảnh mồ côi cha. Rồi chị cùng chị gái và mẹ lên thị xã Trà Vinh tìm kế sinh nhai. Lúc đầu, hai chị em giúp việc cho hai gia đình giàu có. Sau đó, chị làm công nhân quét rác thay cho người mẹ già yếu. Năm 1978, chị Nguyễn Thị A lập gia đình rồi chuyển sang nghề mé nhánh cây với chồng. Đến năm 1997, chị và chồng ly dị. Từ thời điểm đó, chị một mình ký hợp đồng với Công ty Công trình công cộng của tỉnh để tiếp tục làm việc mé nhánh cây cổ thụ. "Gọi là ký hợp đồng cho... oai vậy thôi, chứ tôi chỉ biết viết đúng cái tên mình. Những điều khoản còn lại phải nhờ công ty đọc cho nghe", chị A tâm sự. Được "đối tác" chấp nhận, chị A về huấn luyện cấp tốc anh Nguyễn Văn Hạn (đệ tử của anh chị trước đó) và "đôn" anh ta lên phụ trách trèo cây, còn chị vẫn đảm đương vị trí cũ. Chị nói với công việc quấn dây dưới gốc, ngoài yếu tố sức khỏe, người làm phải nhanh nhạy, tinh mắt. Nếu không, chỉ cần chậm một giây thì coi như... toi mạng vì nhánh cây rớt trúng.
Bạn,
Cũng theo báo NLĐ, công ty Công trình công cộng của tỉnh không trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như nón, quần áo, găng tay... cho chị A và " đệ tử". Chị A muốn tham gia bảo hiểm y tế cũng không được công ty chấp thuận. Công ty trả lời rằng chỉ ký hợp đồng với mỗi mình chị A theo kiểu làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Chị A chỉ được trả công 80 ngàn đồng/cây mỗi lần mé nhánh là xem như xong Chị nói: "Tết này tôi đã 53 tuổi. Mấy ngày nay tôi phát hiện mình bị đau khớp và tụt huyết áp. Do vậy, mơ ước lớn nhất của tôi bây giờ là mong sao... ông trời đừng bắt bệnh hoạn gì hết để mình tiếp tục được làm đẹp cho đường phố và an toàn cho bà con là đủ rồi".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.