Hôm nay,  

Vừa Xây Xong Đã Sụp

24/08/201600:00:00(Xem: 3418)
Đó là chuyện cầu mới xây đã sụp, đường mới làm đã hư…

Cán bộ lúc nào cũng có lý do hợp lý: cầu sụp, đường hư chỉ vì đất lún, đất trượt, chớ không phải do xây dựng dỏm, cũng không phải chuyện rút ruột công trình…

Bản tin VTV kể chuyện Cà Mau: cầu 4 tỷ vừa xây xong đã sập…

VTV ghi rằng vào sáng ngày 20/8, UBND tỉnh Cà Mau, đã có văn bản báo cáo sơ bộ đến Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân cầu Ô Rô bị sập.

Theo đó, nguyên nhân khiến cầu Ô Rô thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị sập là do đất sụp, trượt. Đây cũng là nguyên nhân mà Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau báo cáo sơ bộ hai tuần trước đây. Báo cáo này không đề cập đến lý do thiết kế, thi công hay giám sát. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, đây chưa phải là lý do chính thức bởi còn phải chờ kết quả tham vấn ý kiến của một số tổ chức giám định chuyên nghiệp.

VTV kể rằng:

"Cầu Ô Rô được triển khai thi công từ tháng 5/2013, có tổng chiều dài 86m, tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư; doanh nghiệp tư nhân Sử Thành Phú là nhà thầu thi công; tư vấn thiết kế công trình này là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Minh Anh; tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú. Ngày 5/8, khi thủy triều trên sông Ô Rô xuống rất thấp (nước ròng), chiếc cầu chưa nghiệm thu bị sập hai nhịp. Rất may vụ sập cầu diễn ra vào ban đêm nên không có phương tiện và người lưu thông trên cầu."

Trong khi VTV nói rằng cầu đó là cầu 4 tỷ… Bản tin Báo Thanh Niên/Một thế Giới ghi rằng cầu này là 6 tỷ đồng.

Bản tin TN/MTG gọi chuyện này là "Cầu 6 tỉ vừa thông xe... đã sập: Hé lộ những nguyên nhân."

Bản tin nói, rằng vào chiều tối 19.8, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo sơ bộ gởi Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân sập cầu Ô Rô, ấp Khai Long, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển.

Theo báo cáo thì nhận định có rất nhiều nguyên nhân xoáy lở, dòng chảy sâu hơn so với khảo sát ban đầu, sông lở rộng hơn. Nhà thầu trong quá trình thi công, tập kết vật tư ngay mố cầu… khiến sụp và trượt đất nền đường đầu cầu.

Sau sự cố, làm cho mố cầu bị đẩy ra phía sông 3,64 mét kéo theo sập nhịp cầu. Và nguồn tin này cũng cho biết là nhà thầu thi công công trình có trách nhiệm khắc phục sự cố này.

Theo báo cáo, Cầu Ô Rô được thông xe hồi đầu tháng 2, trong quá trình thi công tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi có nhiều phương tiện ô tô vận chuyển vật liệu lưu thông qua cầu, nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Còn tại thời điểm sập cầu vào tối 5.8 không có phương tiện lưu thông, là thời điểm thủy triều tại sông Ô Rô xuống rất thấp, do đó nguyên nhân sập 2 nhịp cầu không phải do hoạt tải.

Báo Dân Việt rất là văn chương, đặt tựa cho bản tin là "Cầu sập liên tục là do... ông Địa"…

Bản tin DV nói rằng "Cầu đang xây thì sập, vừa khánh thành thì sập, cầu xây xong cũng chờ sập, bờ kè đang xây cũng sập... Tất cả đều do "lỗi địa chất" chứ không có lỗi của cán bộ."

Sau khi kể chuyện Cầu Ô Rô tại xã Đất Mũi, Cà Mau được đầu tư 4 tỷ đồng mới xây xong đã sập một nửa, bản tin Dân việt nhắc chuyện mấy cầu khác:

-- Một cây cầu chết yểu khi mới vừa 13 ngày tuổi là cầu Vĩnh Bình ở Long An. Ngày 27.5, cây cầu này bất ngờ bị sập một nửa, mố cầu trượt khỏi vị trí ban đầu. Lại may cho dân, cầu tự sập khi không có ai trên cầu cũng như không có ghe xuồng bên dưới nên không gây thiệt hại về người… Nguyên nhân sập cầu, lại là "lỗi địa chất".

-- Cầu cấp xã sập, cầu cấp huyện ở Long An cũng trôi mố do "lỗi địa chất" là cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Với kinh phí xây dựng 15 tỷ đồng, đây là cầu dây văng lớn nhất Long An… Sau khi cầu sập, Sở GTVT tỉnh Long An đã xác định nguyên nhân sập cầu là do "địa chất yếu".

-- bờ kè - chức năng cũng như tên gọi, là để chống lại sự sụp đổ dọc bờ sông, cũng bị sụp đổ "do địa chất". Chi 25 tỷ đồng cho vài trăm mét bờ kè, có lẽ UBND thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng không thể ngờ kè Bảo Định đã tự sụp sau vài cơn mưa.

Bản tin Dân Việt kể chuyện: Địa chất có yếu không khi mà những cây cầu cổ do người Pháp xây dựng cách nay cả thế kỷ có đập cũng không chịu sập?

Như cầu Đúc Tân An, như cây cầu cổ khác là cầu Láng Sen ở Cần Thơ… phá hoài cũng không suy suyển.

Rõ ràng là tội ông Địa. Báo Dân Việt thêm: "…Chừng nào "lá bùa" địa chết yếu còn được cán bộ sử dụng để quy trách nhiệm cho ông trời, cho ông Địa, bỏ quên trách nhiệm của con người, thì cầu còn lâu mới thôi không sập!"

Ông Địa… làm cầu sụp? Hình như hồi đó có vở cải lương gì đó tên là "Oan ôi ông Địa"…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.