Hôm nay,  

Giọng Nói Hà Nội

23/04/200000:00:00(Xem: 7763)
Bạn thân,
Vì sao các đài phát thanh lại ưa chuộng giọng nói của các xướng ngôn viên gốc người Sài Gòn và Hà Nội" Bởi vì hai nơi này là đô hội thị tứ, nhưng cũng vì thính giả thích nghe, và cũng vì đủ thứ lý do khác. Để hôm nay tôi kể cho bạn nghe về giọng nói người Hà Nội, mà theo báo Người Hà Nội thì “tiếng Hà Nội là sự hội tụ và tổng hòa những gì chung nhất, tinh hoa nhất của nhiều phương ngữ. Với vốn từ ngữ phong phú, giàu có, uyển chuyển; cách phát âm nhẹ nhàng, tròn vành rõ chữ, tiếng Hà Nội trở thành phổ thông, dễ nghe, dễ hiểu và dễ mến.” Báo này phân tích như sau.

Không giống tiếng nói của các địa phương khác - thường được phát triển lên từ tiếng nói của một làng, một xã, một vùng hoặc một phường thợ - tiếng Hà Nội không đơn thuần là tiếng nói gốc gác của cư dân bản địa và cũng không phải tiếng nói của riêng một địa phương nào mang tới. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tiếng Hà Nội - có bộ mặt như ngày nay - là kết quả sự lựa chọn tự nhiên ngôn ngữ của cộng đồng dân cư Hà Nội bao gồm cư dân bản địa và những người thợ thủ công, nhà buôn, kẻ sĩ, nghệ nhân, binh lính... từ khắp các miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp ở đây qua nhiều đời, nhất là từ mấy tỉnh lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam... Nói cách khác, tiếng Hà Nội đã được chung đúc nên trên cái nền của phương ngữ Bắc mà cách đây vài ba thế kỷ được gọi là tiếng “Đàng ngoài”. Giống như mọi tài sản khác, cái gì từ mọi vùng khác nhau của đất nước quy tụ về Hà Nội cũng được “Hà Nội hóa” - nghĩa là được thâu nạp và chắt lọc những gì tinh túy nhất - để rồi trở lại lan tỏa đi cả nước, mang theo mầu sắc, hương vị và phong cách riêng của Hà Nội, thường hay hơn, đẹp hơn. Tiếng Hà Nội mang đậm đặc trưng đó, nó là sự hội tụ, kết tinh và tổng hòa của những gì chung nhất, tinh hoa nhất của nhiều phương ngữ bồi đắp hun đúc nên. Đó cũng là tiếng nói, giọng nói phổ thông, dễ nghe, dễ hiểu hơn cả đối với các vùng, được những người buôn bán theo các đường bộ, đường thủy và những quan chức, trí thức, học trò, v.v. mang tỏa đi khắp nơi.

Cũng như bất kỳ thành phố cổ nào trên thế giới, quá trình đô thị hóa của Hà Nội khởi đầu từ một cái chợ, phát triển lên từ hàng loạt chợ cùng những đường phố. Danh từ “kẻ chợ” vốn dĩ là danh từ chung - có nghĩa là “người ở (phố) chợ” - dần dần chuyển thành danh từ riêng để chỉ khu vực 36 phố phường cũ quây quần chung quanh chợ Cầu Đông. Rồi từ thế kỷ 17-18 “kẻ chợ” lại biến thành danh từ chung mang ý nghĩa mới, tương đương với những từ “kinh kỳ”, “kinh đô”, “thủ đô”; tiếng “kẻ chợ” chính là tiếng kinh kỳ, tiền thân của tiếng Hà Nội ngày nay.

Tiếng Hà Nội sở dĩ được sự ngưỡng mộ chung, gần như tự nhiên như vậy bởi vì, trước hết đó là tiếng nói phát triển sớm so với tiếng nói của mọi miền trong nước. Theo quy luật chung, nơi nào có trình độ phát triển cao hơn về các mặt chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội... thì ngôn ngữ của nơi đó cũng phát triển nhanh hơn. Nhìn vào lịch sử, ta thấy rõ điều này: lưu vực sông Hồng từ 4.000 năm nay vốn là cội nguồn, cái nôi của dân tộc, nơi phát tích và quyết định tiến trình của dân tộc về nhiều mặt. Đặc biệt là từ sau thế kỷ 3 trước Công nguyên, vùng đất Hà Nội ngày nay đã nổi bật lên như là đầu não của khu vực trung tâm ấy qua các mốc lịch sử: nước Âu Lạc ra đời với kinh đô Cổ Loa, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đóng đô ở Mê Linh, các tướng tài của Lý Bí là Triệu Quang Phục, Phạm Tu người quê Thanh Trì; Lý Phục Man lập phòng tuyến ở cửa sông Tô Lịch; Phùng Hưng rồi Ngô Quyền đều khởi binh từ Đường Lâm; Ngô Quyền chọn tại Cổ Loa làm nơi định đô. Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư trở về thành Đại La (Hà Nội ngày nay)…

Trong những thế kỷ tiếp theo, đặc biệt là những thế kỷ 15-18 Hà Nội càng là nơi phát triển mạnh mẽ, nơi tập trung buôn bán phát đạt sầm uất, nơi đô thị nhộn nhịp đông vui (“Phồn hoa thứ nhất Long Thành”), là một trong hai cảng lớn nhất đất nước “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”. Nhờ đó, tiếng Hà Nội cũng nảy nở, sản sinh thêm nhiều từ ngữ mới, dồi dào hơn, cách diễn đạt mạch lạc, khúc chiết hơn. Cho đến cuối thế kỷ 20 tiếng Hà Nội đã tự hoàn thiện về nhiều mặt, đẹp hơn, phong phú hơn, trong sáng hơn. Trong bài “Bàn về tiếng Hà Nội” (Văn nghệ số 845, ngày 12-1-1980) nhà văn lão thành Tô Hoài đã dẫn ý kiến của nhiều nhà văn quê ở miền trong từng sống lâu ở Hà Nội (như Bùi Hiển, Bùi Đức ái, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng...) cùng có chung nhận xét là: “Từ ngữ miền bắc - trước nhất là từ ngữ Hà Nội - thật phong phú, uyển chuyển, giàu có”.

Nhiều người cho rằng đặc trưng nổi bật, dễ thấy nhất của tiếng Hà Nội trước hết là ở giọng nói - tức hệ thống ngữ âm - không thể lẫn lộn với giọng nói các vùng khác. Giọng Hà Nội là điển hình, là tiêu biểu cho giọng nói của các tỉnh lưu vực sông Hồng, nhưng cách phát âm nhẹ nhàng, mềm mại “tròn vành rõ chữ” hơn, với sự phân biệt rõ rành đường nét của sáu thanh điệu, đặc biệt có sự uốn giọng rất uyển chuyển, dịu ngọt, duyên dáng ở các thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngã mà người các vùng khác gọi là cách uốn giọng “làm dáng”, rất “điệu đà”, lâu dần thành thói quen, nhất là khi chúng được thốt ra ngọt ngào từ khóe miệng xinh xắn của các thiếu nữ thủ đô. Nhiều khách nước ngoài từng phát biểu cảm tưởng là “các cô gái Hà Nội nói mà nghe như hát”.

Bạn thân,
Báo này ca ngợi giọng Hà Nội cũng rất khéo: “Chắc đây không chỉ là một lời khen xã giao. Có lẽ nét đặc sắc, sức hấp dẫn và “quyến rũ” của tiếng Hà Nội chính là nhờ ở cách phát những phụ âm đầu nhẹ nhàng và hệ thống thanh điệu trầm bổng, giàu nhạc tính, cộng với cách uốn giọng uyển chuyển, ngọt ngào thật độc đáo của người Hà Nội.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.