Hôm nay,  

Cải Cách Để Sống Còn

25/02/201600:00:00(Xem: 4328)

Nhu cầu cải cách ngày càng bức thiết. Ngân Hàng Thế Giới thúc giục Việt Nam cải cách. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng báo động về nhu cầu cải cách. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cảnh báo về cơ nguy tụt hậu.

Nhìn cho kỹ, đất nước tụt hậu là vì ai? Hỏi là trả lời vậy. Vì không lẽ Tây, Tàu, Mỹ, Nhật làm cho VN tụt hậu. Không lẽ các bác xích lô, các bác tài xế taxi làm VN tụt hậu?

Đài RFA phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương... về tình hình cải cách.

Tiến sĩ nói có đoạn về cải cách thể chế như sau:

“TS Lê Đăng Doanh: Sáng nay 23/2 Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã thắng thắn đề cập là Việt Nam cần phải mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, nâng cao sự sáng tạo hiệu quả và phải phát triển mạnh mẽ năng lực cạnh tranh. Muốn như vậy thì Việt Nam phải cải cách về mặt thể chế và nếu như những điều đó được giới lãnh đạo được Đại hội 12 đã bầu ra thực hiện, thì Việt Nam với tiềm năng của mình hoàn toàn có thể đạt được những tiến bộ như đã đề ra. Nếu như công cuộc cải cách không vượt qua được sự cản trở của nhóm lợi ích và không tự minh vượt qua được những ràng buộc mà mình tự buộc mình vào, tự hạn chế mình thì Việt Nam sẽ ngày càng bị tụt hậu xa hơn....

...bây giờ tình hình về hội nhập quốc tế đã trở nên rất cụ thể, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã qui định rất rõ về những quyền về Internet, về sự công khai minh bạch về sự cạnh tranh bình đẳng…. Và nếu như Việt Nam không thực hiện nghiêm túc những cam kết đó thì Việt Nam sẽ không được hưỡng những ưu đãi về mặt thương mại như giảm thuế quan...v..v..

Vì vậy vấn đề cải cách bây giờ trở nên một vấn đề hết sức cụ thể và bước đi cũng rất là rõ ràng chứ không phải là trừu tượng được. Ví dụ như theo Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì đến năm 2018 thời gian thông quan qua các cảng của Việt Nam là 48 tiếng đồng hồ. Trong khi đó theo Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 12/3/2015 thời gian thông quan là 10 ngày. Như vậy chúng ta thấy khoảng cách từ 10 ngày xuống 48 giờ là một khoảng cách khá xa và được qui định rất cụ thể rồi, cho nên Việt Nam cần phải cải cách một cách rất mạnh mẽ...”(ngưng trích)


Trong khi đó, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm Thứ Ba 23-2-2016 ghi nhận lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Lễ này do Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chủ trì, với sự tham dự của nhiều thành viên chính phủ, các quan chức cao cấp nhất của Ngân hàng Thế giới, các đại sứ và hàng trăm khách mời trong nước và quốc tế sáng 23-2 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng cơ hội chỉ còn có 10 năm phù du, trích:

Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng (1970-2025), như vậy chúng ta chỉ còn khoảng tối đa là 10 năm thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất sau đó giảm dần.

Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.

Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

“Vì ba lý do trên Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.”(hết trích)

Trong lễ này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nhắc lại Hàn Quốc những năm 50, khi ông sinh ra, từng được coi là một trường hợp “vô vọng” không thể phát triển, thạm chí không được vay ODA ưu đãi. Nhưng trong vòng vài thập kỷ, Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ để có ngày nay.

Họ Kim nói: “(Lãnh đạo) phải thấy được những con đường, những thách thức phía trước để đưa ra các quyết định. Đây là thời điểm để xác định tương lai. Chúng tôi sẽ dõi theo Việt Nam, và hi vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến dũng cảm để đạt được tương lai đó”.

Dũng cảm? Họ có dũng cảm xóa bỏ thể chế độc tài CS hay không? Họ có dũng cảm như Miến Điện không?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.