Hôm nay,  

Bỏ Ruộng Lên Rừng

27/07/200000:00:00(Xem: 5557)
Bạn,
Từ hai tháng nay, nông dân 2 huyện Hương Trà và Phong Điền, phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, đã vô cùng lo lắng khi nguồn mưu sinh từ nghề trồng mía đã lâm vào tình trạng bế tắc. Nguyên nhân chính là nhà máy đường với 100% vốn của Ấn Độ được xây dựng tại Phong An, huyện Phong Điền, cách đây hơn 3 năm, sẽ dời vào tỉnh Phú Yên ở phía Nam của Miền Trung vào cuối năm nay do những khó khăn của nhà đầu tư và của địa phương. Đây là nhà máy đã ký hợp đồng thu mua mía của nông dân tại hai huyện nói trên, và từ mấy năm qua, hàng ngàn gia đình nông dân đã vay vốn ngân hàng để trồng mía. Nợ chưa trả xong thì nhà máy lại di chuyển, thế là nông dân lại lâm vào cảnh khốn đốn. Tại nhiều xã, nông dân đã phá bỏ ruộng mía, lên rừng đốn củi, chặt cây, để đem bán kiếm tiền mua gạo, thức ăn. Câu chuyện bi thương của những người dân quê khốn cùng ở hai huyện của Thừa Thiên được báo Kinh Tế Sài Gòn ghi lại qua đoạn ký sự dưới đây.

Từ cuối tháng 5/2000 đến nay, mọi hoạt động canh tác trên phần diện tích mía đường ở Thừa Thiên-Huế đều dừng lại. Theo Ủy ban huyện Phong Điền, dù phía công ty KCP có thông báo nông dân cần tiếp tục chăm sóc diện tích mía còn lại để bán cho nhà máy trong các vụ sau, song tâm lý hoang mang chán nản của người nông dân đã lên đến đỉnh điểm, họ không biết dựa vào đâu để nghe lời khuyến cáo trên. Đa số nông dân cho biết rằng những khoản tiền vay và tích cóp từ trước, họ đã bỏ vào vụ mía cuối năm 1999, nhưng do hậu quả của thiên tai và “sự cố nhà máy đường” đến nay chưa thu hồi được, nên không còn ai đủ sức lo cho cây mía nữa.

Chỉ cần đi dọc sông Hương lên khu vực sông Bồ, sông Ô Lâu thuộc các huyện Hương Trà, Phong Điền, sẽ gặp ngay hàng trăm hecta mía lưu gốc đang biến thành củi khô, um tùm cỏ dại. Tại các xã Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền), nhiều ruộng mía đã 4-6 tháng tuổi vẫn chỉ phát triển èo uột, khẳng khiu, vàng úa dưới cái nắng dữ dội của miền Trung. Ở huyện Hương Trà, nông dân xót của đã bắt đầu phá bỏ mía để lấy lại đất trồng rau màu vụ Đông và đem mía đi bán rong nhằm vớt lại được đồng nào thì vớt. Một nông dân vừa phá bỏ hơn 2 sào mía cuối cùng của mình vào thượng tuần tháng 7/2000 cho biết: Nếu chờ chính quyền có quyết định chính thức thì không biết đến bao giờ, ông đành phá mía trồng khoai, lượng mía thu được đem bán cho các xe nước mía với giá 6 ngàn đồng/ bó 20 cây loại lớn. Giá bán này ở các xã huyện Phong Điền còn thấp hơn, khoảng 3-4 ngàn/bó.

Nhiều hộ nông dân ở xã Phong Mỹ cho biết, mấy năm gần đây gần như gia đình nào cũng bỏ công sức khai phá đất hoang, biến cải gò đồi làm ruộng mía. Xã này hiện có trên 1,000 ha đất trồng mía trên tổng số gần 4,000 ha đất có thể canh tác được, hơn 600 hộ dân trên tổng số gần 800 hộ của xã đều có đất trồng mía. Tuy nhiên, nếu những năm 1996-1997, nhiều nhà khá lên từ cây mía thì hiện nay người dân xã này đã bế tắc không biết làm gì để kiếm sống khi mùa mưa đến, xã dự báo sẽ có trên 30% số hộ rơi vào cảnh đói nghèo.

Bạn,
Cũng theo báo Kinh tế Sài Gòn, nhiều hộ nông dân đã bắt đầu bán các nông cụ sản xuất tích góp từ nhiều năm qua như trâu, xe cày để mua lương thực phòng mùa giáp hạt sắp đến. Một nông dân 66 tuổi cho biết người dân trong xã bỏ ruộng trở lại khai thác rừng như cũ. Người nông dân này nói: “Nếu ai không tin, mỗi buổi sáng lên đây mà coi, người ta kéo nhau đem gùi vô núi, mót được chi thì mót, chặt được chi thì chặt, kiểm lâm hay xã có cấm cũng mặc” Trong đói nghèo, họ phải liều để sống, dù phải bỏ ruộng lên rừng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.