Hôm nay,  

Kính Thầy Mới Được Làm Thầy

24/01/201500:00:00(Xem: 2644)
Ông bà mình đặt ơn thầy cô tương đương hàng đầu như cha mẹ, vì thân này do phụ mẫu sinh ra nhưng tâm hồn và tri thức nhiều phần là do thầy cô tạo dựng.

Truyền thống Nho gia nói ơn Thầy chỉ sau ơn Vu, vì triều đình gìn giữ đất nước bền vững, gìn giữ cơ nghiệp dân tộc vẹn toàn, thầy là người chỉ đường đi nước bước cho người muốn hành xử điều phải lẽ -- do vậy, mới nói ba giềng mối là Quân, Sư, Phụ -- tức là Vua, Thầy, Cha Mẹ.

Ca dao cũng nói về ơn thầy:

Mẹ cha công đức sinh thành
Ra trường thầy dạy học hành cho hay
Muốn khôn thì phải có thầy
Không thầy dạy dỗ đố mầy làm nên
Mười năm luyện tập sách đèn
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy
Yêu kính thầy mới làm thầy
Những phường bội bạc sau nầy ra chi!

Hay như các câu sau:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy...

Hay như:

Gươm vàng rớt xuống hồ Tây
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu...

Nhưng học xong Sư phạm, rất nhiều sinh viên tôt nghiệp không tìm được việc. Tình hình này làm cho vị trí thầy cô trong xã hội nhợt nhạt hơn.

Nghĩa là, nhu cầu giảm... trong khi uy tín thầy cô cũng có thể giảm, vì ngay như nhiều giảng viên Đại Học Sài Gòn mới bị báo Tuổi Trẻ khui ra chuyện xài bằng Tiến sĩ giả, Tiến sĩ dỏm... mua từ các Đại Học Ma ở Hoa Kỳ.

Mặt khác, lương thầy cô cũng bị các tỉnh, huyện xem nhẹ, và rất nhẹ tới mức cứ nợ lương mãi.

Báo Dân Trí kể chuyện ở Anh Giang, nơi có giáo viên nhiều trường bị nợ lương.

Bản tin báo DT kể:

“Khi PV Dân trí tìm hiểu việc nhiều giáo viên ở xã Quốc Thái (huyện An Phú, An Giang) chưa nhận lương tháng 11, 12 và các khoản trợ cấp năm 2014 thì phát hiện trên địa bàn huyện này còn có 7 đơn vị trường học khác chưa nhận lương tháng 12 năm 2014.

Theo báo cáo số 17 của Phòng GD-ĐT huyện An Phú gửi cho Sở GD-ĐT tỉnh An Giang vào ngày 20/1/2015 về việc thực hiện chi trả chế độ chính sách của giáo viên huyện An Phú năm 2014, PV nhận thấy rằng không chỉ có các trường học trên địa bàn xã Quốc Thái chưa nhận lương tháng 11, 12 mà còn có 7 đơn vị trường học khác trên địa bàn huyện chưa được nhận lương tháng 12/2014.

Cụ thể trên địa bàn huyện An Phú hiện có 61 trường học nhưng chỉ có 54 trường học đã thanh toán xong lương tháng 12 năm 2014 cho cán bộ-giáo viên, còn lại 7 trường học khác đang nợ lương giáo viên, gồm: Trường mẫu giáo Đa Phước; Trường mẫu giáo Khánh Bình; Trường tiểu học A Phước Hưng; Trường tiểu học B Khánh An; Trường THCS Long Bình; Trường THCS Phú Hữu; Trường THCS Vĩnh Hội Đông với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng...”(ngưng trích)

Cho dù với bất kỳ lý do nào đi nữa, cũng nên hiểu rằng thầy cô bị xem nhẹ.

Vì một điều chắc chắn rằng, chính quyền không bao giờ dám nợ lương công an, những người đang có quyền và có súng trong tay...

Hãy nhớ rằng gần Tết rồi nhé...

Mặt khác, lại có chuyện rất buồn xảy ra ở Quảng Bình, khi nữ sinh đánh cô giáo thê thảm.

Bản tin Zing kể:

“Bị cô giáo phê bình, ghi tên vào sổ đầu bài nên nữ học sinh cấp 3 ở TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã lao lên bục giảng túm tóc, đánh cô giáo mình trước mặt hàng chục học sinh khác.

Ngày 20/1, thầy giáo Nguyễn Nhật Lệ - Hiệu trưởng trường THPT Đồng Hới (Quảng Bình), cho biết Ban giám hiệu nhà trường vừa có quyết định kỷ luật đuổi học một tháng đối với nữ sinh N.N.H, học sinh lớp 11 của trường này...”(ngưng trích)

Có phải vì xã hội không dạy các em tôn kính thầy cô?

Có thể như thế. Cũng có thể vì có học trò cá biệt. Nhưng khi chúng ta nhìn chung toàn cảnh, sẽ thấy rằng vị trí thầy cô đã bị lung lay trong các giềng mối xã hội...

Hãy biết sợ, tới một ngày, không sinh viên nào muốn chọn ngành sư phạm nữa...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.