Hôm nay,  

Từ Thất Nghiệp Tới Nợ Lương

17/09/201400:00:00(Xem: 2914)

Thợ thuyền lúc nào cũng gian nan. Cũng là vận mệnh chung của toàn dân, dĩ nhiên trừ các quan chức: sống được luôn luôn là khó.

Trong khi Báo Đất Việt kể chuyện đi bán trà đá cũng được Sở Thống Kê VN xem như là có việc làm, báo Tuổi Trẻ kể chuyện công nhân bị chủ nợ lương thê thảm.

Nghĩa là, việc làm nào cũng khó thở.

Báo Đất Việt có bản tin “Việt Nam khác thế giới:Bán trà đá không coi là... thất nghiệp!” trong đó nói chuyện cách tính sao cho tỷ lệ thất nghiệp VN thấp nhất thế giới:

“VN coi trợ cấp thất nghiệp chỉ phản ánh gián tiếp tỷ lệ thất nghiệp, quốc tế coi là yếu tố để xác định NLĐ có thất nghiệp hay không.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Nhiều ý kiến băn khoăn không biết Việt Nam định nghĩa thế nào là thất nghiệp để có được con số trên.

Trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, định nghĩa về thất nghiệp từ xưa đến nay giữ nguyên không thay đổi qua các năm, các cuộc điều tra và hoàn toàn tương thích với định nghĩa thế giới. Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện hàng quý, có sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dựa trên số mẫu là 50.000 hộ gia đình.

Theo đó, người thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc, trong thời gian phỏng vấn (trong vòng 1 tuần) có đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được.


Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, ở Việt Nam không có ai thất nghiệp tuyệt đối, mất việc này họ vẫn có thể làm việc khác, tức là vẫn có thu nhập. Do đó, cử nhân, thạc sĩ đi làm xe ôm, bán trà đá... vẫn được coi là có việc làm.

"Có thể nói một người đi làm như thế là chất lượng việc làm chưa tốt, thu nhập thấp, nhưng không phải thất nghiệp", bà Hương khẳng định.”(ngưng trích)

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ kể chuyện “Đi đòi lương” ở Sài Gòn.

Bản tin nói, công nhân (CN) bị cắt xén nhiều khoản tiền lương, không chịu nổi bức xúc đành nghỉ việc hay chủ doanh nghiệp “biến mất” khiến CN vất vả đi đòi tiền lương. Nhưng có đòi được không hay bao giờ đòi được thì chưa có câu trả lời. Hành trình đi đòi tiền lương cũng vất vả và khó khăn chẳng kém đi lao động.

Báo Tuổi Trẻ kể rằng hơn một tháng nay chị Nguyễn Thị Bé Huyền, CN làm việc tại công ty may trên đường 19-5, Q.Tân Bình, TP.SG, cùng nhóm bạn gần 20 người cầm đơn đi khắp nơi cầu cứu mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để chị và những người bạn được nhận tiền công mà công ty còn nợ.

Công đoàn nhà nước ở đâu? Bó tay.

Báo Tuổi Trẻ kể: “Chị Huyền lại mang đơn đi lên các cấp cao hơn như Liên đoàn Lao động thành phố, Tòa án nhân dân quận Tân Bình... để kêu cứu...

Hiện tại dưới sự hướng dẫn của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Hóc Môn, 153 CN đã làm thủ tục khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn.”

Than ôi, công ty nợ lương công nhân. Còn chính phủ nợ lời hứa dân chủ và nhân quyền với toàn dân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.