Hôm nay,  

Khi Dịch Sởi Quậy

24/04/201400:00:00(Xem: 2734)

Dịch sởi đang gây kinh hoàng cho cả nước, nhưng tập trung vào Hà Nội, nơi số lượng những cái chết vì bệnh sởi nhiều nhất.

Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn tới dư luận quốc tế, nếu có con của một ông đại sứ nào đột nhiên dính bệnh sởi và ông đại sứ sẽ la hoảng toàn cầu... Và một trường tiểu học quốc tế ở Hà Nội tuyên bố đóng cửa để ngăn dịch sởi lây lan. Tới lúc đó, ngành du lịch sẽ thê thảm.

Thậm chí, có thể nguy ngập cho cả thương mại, nếu Trung Quốc muốn quậy, tuyên bố đóng tất cả các cửa khẩu vì lý do cần ngăn chận dịch sởi...

Thế nên, đây không phải chuyện chơi.

Thực tế, dịch sởi đang giảm đà lây lan.

Nhưng có một nan đề mới, báo Công An ND nói: Có bác sỹ không biết thế nào là bệnh sởi...

Bài báo CAND ngày 23-4-2014 viết:

“Có một lý do rất đáng để ngành y tế phải lưu tâm về nguyên nhân chuyển tuyến, dẫn đến quá tải ở BV tuyến TW. Đó là trình độ chuyên môn của tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Tại hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi cho các BV ngày 22-4, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV bệnh nhiệt đới TW, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã nói: “Có nhiều bác sĩ lâu không học, nên không biết thế nào là bệnh sởi!” Vì thế, Bộ Y tế đã phải rất tốn kém để tổ chức hội nghị phổ biến kinh nghiệm điều trị, nhất là mời đại diện BV Nhi đồng I TP. Hồ Chí Minh ra để truyền kinh nghiệm, khi đây là BV điều trị hơn 1.000 ca sởi, nhưng không có trường hợp tử vong. Thế nhưng, mới nửa chừng cuộc họp buổi sáng, đã có một số nhân viên y tế rời đi và khi giải lao xong, thì một lượng không nhỏ người từ tuyến dưới đi cập nhật thông tin đã “biến mất”...”(ngưng trích)

Nghĩa là, bác sĩ Sài Gòn mới giỏi -- điều mà ai cũng biết. Và hóa ra, nhiều chuyên viên y tế tới dự hôi nghị tưởng là học hỏi, lại rủ nhau biến mất... Đúng là, đi chơi vui hơn đi học.


Cũng cần ghi rằng, theo báo Một Thế Giới, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo: Dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố. Về tử vong, có 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu vào điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương (111 trường hợp ở Bệnh viện Nhi Trung ương (93,2%); 6 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai; 1 trường hợp ở Bệnh viện Nhiệt đới; 1 trường hợp điều trị và tử vong tại nhà ở Yên Bái không được chẩn đoán huyết thanh)...

Và cũng nên ghi nhận rằng, chính phủ đang mời gọi người dân sử dụng thuốc Bắc, thuốc Nam để ngừa bệnh sởi.

Báo MTG ghi lời một ông Phó Thủ Tướng:

“...trong ngày 22.4, nói về tình hình dịch sởi trước đông đảo các phóng viên báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm, thậm chí có những việc phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Phó Thủ tướng đề nghị việc cần làm trước hết là phải ngăn dịch, để không còn cháu nào phải chết vì bệnh sởi. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể để người dân theo dõi con em mình, ngăn ngừa, phòng chống và chữa bệnh sởi đúng phương pháp. “Phương pháp có thể sử dụng nhiều loại hình, kể cả cổ truyền, miễn là có tác dụng tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh...”(ngưng trích)

Ông Đam ám chỉ phương pháp cổ truyền nào? Thuốc xuyên tâm liên thời mới sau 1975?

Khó vậy. Căn bản trước tiên, phải là trình độ bác sĩ vậy. Nghĩa là phải học, phải huấn luyện, phải dày công tu nghiệp... Chứ không phải là “con cháu các cụ cả”...

Hãy suy nghĩ: chỉ mới là bệnh sởi thôi, rủi như bệnh nào kinh hoàng hơn, như dịch tả, dịch hạch, hay dịch SARS, vân vân... Lúc đó, kinh tế có thể sụp đổ luôn vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.