Hôm nay,  

Lễ Hội Ở Núi Bà Đen

13/02/200100:00:00(Xem: 5749)
Bạn,
Hàng năm hội Xuân núi Bà Đen (còn gọi là núi Điện Bà) đã thu hút khách hành hương suốt cả ba tháng đầu năm, mặc dù lễ hội chính diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng 1 âm lịch. Đây là hoạt động hành hương thật sự vì nó được tiến hành như một chuyến đi núi để lễ bái và cầu nguyện, mà nguồn gốc của nó là tập quán “đi chùa quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”, một trong ba ngày rằm lớn gọi là tam nguyên. Để hiểu hơn về sự tích núi Bà Đen và các lễ hội tại địa danh này, mời bạn đọc tài liệu dưới đây của một nhà biên khảo trong nước phổ biến trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật.

Tên núi Bà Đen hay núi Điện Bà đã được định danh từ đầu thế kỷ 20. Song, từ đầu thế kỷ 19, sách “Gia Định thành thông chí” và cả trong “Đại Nam liệt truyện tiền biên”, đều gọi núi này là núi Bà Đinh. Theo ghi chép trong “Gia Định thành thông chí”, trên núi có chùa Vân Sơn và không đề cập gì đến ngôi đền thờ vị nữ thần có tên gọi được dùng để gọi tên núi: Bà Đen Điện Bà, trong “Đại Nam nhất thống chí” khi viết về núi này lại gọi tên chùa trên núi là chùa Linh Sơn và như cách gọi về sau này Bà Đen có mỹ hiệu là Linh Sơn thánh mẫu. Linh Sơn là tên gọi của ngọn núi đã trở thành thánh địa của Phật giáo. Đó là núi có dạng con ó/kên kên gọi là núi Ky Xa Quật (Grudha-kuta), dịch nghĩa là Thứu Sơn/Linh Thứu Sơn/Linh Sơn ở gần thành Vương Xá (Rajagriha) Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bộ kinh “Diệu Pháp liên hoa”. Do đó việc đổi tên chùa từ Vân Sơn thành Linh Sơn hẳn không phải là do lỗi khắc in nhầm tự dang chữ Hán của “vân” và “linh” như các nhà Hán học giải thích. Tên chùa Vân Sơn (núi có mây phủ) là tên gọi đượm ý nghĩa tiên đạo hơn là Phật giáo và tên gọi này có các cơ sở của nó là các điều linh dị mà Gia Định thành thông chí đã ghi chép: 1, tương truyền có chuông vàng trong hồ; 2, rùa vàng bất thời bơi lặn; và 3 là có đêm trời quang mây tạnh thấy có thuyền rồng bơi lượn, múa hát du dương. Từ Vân Sơn thành Linh Sơn là sự biến đổi từ ngôi chùa dân dã chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ thần thành ngôi chùa Phật giáo có phần chính thống hơn.

Lễ vía Bà hàng năm, tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng Năm âm lịch, dường như liên quan đến lễ Đoan Dương, một trong lễ thức “Tứ thời tiết lạp” truyền thống, có chức năng trừ độc (tẩy trừ bệnh tật). Tuy nhiên lễ vía Bà ở đây lại là trình tự tổng hợp cả nghi lễ hát bóng dân gian và trai đàn thí thực nhà Phật: Khuya ngày 4 rạng ngày 5: lễ tắm Bà đthực hành như lễ mật, không có sự tham dự của đông đảo của quần chúng. Sáng mồng 5: Khai kinh và tụng kinh đến 6 giờ sáng hôm sau; lễ trình thập cúng (dâng 10 loại lễ vật: hoa, đăng, hương, trà, quả, thực, bình, thủy xoàn, châu báu. Tối mồng 5: hát bóng rỗi (múa Dâng bông, múa Dâng mâm vàng/bạc, hát Chặp bóng tuồng Địa-Nàng). Ngày mồng 6: tiếp tục các nghi vinh phú Phật giáo khác: cúng ngọ và trai đàn chẩn tế-thí thực cô hồn.

Bạn,
Cũng theo nhà khảo cứu nói trên, trước đây, ngoài các nghi lễ trên còn có phần rước gánh hát bội, hát chầu vào ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Năm, hát xong mới dứt lễ. Việc đưa hát bội vào hát ở đền miễu thờ nữ thần là chịu ảnh hưởng nghi thức của kỳ yên ở đình làng. Việc làm này có lẽ xuất phát từ việc Linh Sơn thánh mẫu có được sắc phong vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935) với mỹ hiệu “Đức bảo trung hưng linh phù chi thần”, tức Bà Đen được dự vào hàng các thần linh chính thống quan phương như các công thần và thần thành hoàng ở đình làng. Theo phân tích của nhà khảo cứu nói trên thì trong thực tế, quá trình chính thống hóa ở thời điểm mà vùng đất này đã và đang là thuộc địa nên đã không thành công, do đó tập tục tín ngưỡng và nghi lễ ở đây về cơ bãn là vẫn duy trì sự hỗn hợp dung hòa giữa dân gian và Phật giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.