Hôm nay,  

Cần Giáo Dục Sinh Lý

14/01/201400:00:00(Xem: 8081)
Bạn hãy hình dung rằng, khi trẻ em đối diện với thông tin tràn ngập qua Internet như hiện nay, làm thế nào các em có thể biết thông tin nào khả tín và hữu dụng?

Thí dụ, qua các diễn đàn email, chúng ta đọc các thông tin nói rằng trái dừa trị bá bệnh, rồi tới gừng, tới nghệ, tới dưa hấu, tới bắp cải... như dường có ai ngồi không, nghĩ ra trăm kế ngàn mưu để chiêu mãi cho các nông dân và siêu thị.

Nếu có trái cây nào là thần dược trị bá bệnh, hẳn là bác sĩ thất nghiệp từ lâu và bệnh viện trở thành nơi cực kỳ vắng vẻ. Do vậy, bơi giữa trận lụt thông tin là chuyện cần có hướng dẫn của các nhà chuyên môn, với bệnh lý thì cần bác sĩ, và tương tự với tất cả các lĩnh vực khác.

Bây giờ là chuyện sex. Giữa trận lụt thông tin, làm thế nào các em biết đâu là đúng, là sai để thoát hiểm?

Do vậy, chuyện trẻ vị thành niên phá thai đã trở thành chuyện dài bất tận, mà báo Người Lao Động gọi là “Học Trò Yêu Bạo: Đắng lòng học trò phá thai”.

Bài báo viết:

“Học trò yêu thoáng và “cho” nhau sớm nhưng lại thiếu kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản khiến tình trạng nạo phá thai ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, nhiều nữ sinh phải chịu hậu quả của việc yêu sớm và không làm chủ được hành động của bản thân. Cái thai trong bụng cứ dần lớn lên nhưng các em lại chưa đủ điều kiện để làm mẹ. Do vậy, không ít trường hợp phải đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường...

Điều tra quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” lần thứ 2 cho thấy nhiều bạn trẻ có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân và độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục lần đầu cũng đang trẻ hóa. Có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 - 17 đã “ăn cơm trước kẻng”. Cá biệt, có những em từ 10-12 tuổi đã có quan hệ tình dục và hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo nghiên cứu này, có 8,4% (82 trong số 977) phụ nữ hoạt động tình dục ở độ tuổi từ 15-24 cho biết đã ít nhất một lần nạo phá thai.

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy nước ta có tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 trên thế giới, mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó chiếm tới 70% là học sinh, sinh viên. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm nhưng tỉ lệ này ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai.

Nhiều ý kiến cho rằng con số thống kê từ các BV chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì không thể tính được số ca nạo phá thai ở những cơ sở y tế tư nhân.

Ký ức ám ảnh

Theo BS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, từ 13-15 tuổi mà có thai thì nữ sinh phải bỏ học, chăm con một cách vụng về, sẽ không có được tương lai tươi sáng. Việc phá thai không chỉ để lại nhiều hậu quả về thể xác như chảy nhiều máu, thủng tử cung, nhiễm khuẩn dẫn đến dính vòi trứng gây vô sinh hoặc chức năng sinh sản bị ảnh hưởng, sau này dễ sẩy thai liên tiếp... “Có những nữ sinh đã khóc thét khi chứng kiến cảnh hài nhi 19-20 tuần tuổi vẫn còn cựa quậy một lúc rồi mới nằm im sau khi được kích thích đẻ non. Đó là những nỗi đau có thể ám ảnh người mẹ nhí cả đời” - BS Đức nói...”(ngưng trích)

Như thế, câu hỏi bây giờ là tại sao không giaó dục giới tính cho trẻ em?

Thắc mắc này được báo SGGP nêu lên trong bản tin “Giáo dục giới tính cho học sinh - Phải xem là môn khoa học” hôm 9-1-2014, trong đó ghi lời nhận xét từ nhiều chuyên gia.

Bài báo viết:

“Qua các phương tiện thông tin truyền thông, những trường hợp nữ học sinh trở thành mẹ hay những cái chết thương tâm bởi bản thân vướng vào con đường tình yêu, tình dục quá sớm… không còn xa lạ. Đó là hệ quả tất yếu từ việc “xem nhẹ” chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản (GDGT-SKSS) trong trường học hiện nay....

Thực ra, GDGT-SKSS là việc làm cần thiết. Nếu không muốn nói là phải dạy sớm từ cấp tiểu học. Ở các nước phương Tây, giáo dục giới tính đưa vào nhà trường như một môn học bắt buộc. Học sinh được cung cấp kiến thức để có những hiểu biết cơ bản về quan hệ tình dục, tránh thai, sức khỏe sinh sản, nhu cầu và bản năng tình dục theo lứa tuổi. Còn ở nước ta, việc giảng dạy vẫn theo nguyên tắc lồng ghép với các môn khác.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS TPHCM cho rằng, nếu chỉ lồng ghép vào các môn học như hiện nay, GDGT-SKSS khó mang lại hiệu quả. Giáo viên và phụ huynh phải nhanh chóng thay đổi nhận thức: giáo dục giới tính chứ không phải giáo dục tình dục. Giáo dục giới tính là một môn khoa học có đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ… Nếu cứ nghĩ kiến thức giới tính chỉ là tình dục nam nữ, xem việc trang bị kiến thức đó như “vẽ đường cho hưu chạy” là ý nghĩ sai lầm.

Cũng theo BS Thông, lứa tuổi vị thành niên nói chung và học sinh phổ thông nói riêng có sức đòi hỏi về kiến thức giới tính rất mạnh (do cơ thể sản sinh nội tiết tố). Nếu lên trường thầy cô né tránh, về đến nhà gia đình cũng ngại chia sẻ, thì học sinh sẽ lựa chọn phim ảnh, internet như là phương tiện giải đáp tò mò. Trên thực tế, không ít em đã có những hành động để lại hậu quả đáng tiếc...”(ngưng trích)

Khi trẻ em bị ngập lụt thông tin từ Internet, tại sao chúng ta không dạy các em bơi để khỏi bị cuốn hút?

Bịt tai, bịt mắt, bịt miệng... rồi sẽ chẳng tới đâu cả.

Nơi naỳ, cần Bộ Giáo Dục phải chịu trách nhiệm vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.