Thầy cô giáo lúc nào cũng lưu được hình ảnh đẹp trong lòng người
học trò... cho dù là nhiều thập niên sau, khi tóc đã điểm sương.
Nhưng không mấy ai hiểu hết những gian nan, những hy sinh của nghề
giáo, nếu không sống trong nghề giáo.
Điều bi thảm là, có khi chỉ vì cấp lãnh đạo bất toàn, thầy cô trở
thành những kẻ hy sinh cho các bất toàn đó.
Báo Tuổi Trẻ kể chuyện gần 90 giáo viên ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên
Giang sắp bị mất việc oan uổng. Báo Tầm Nhìn kể chuyện 2 giáo viên
ở tỉnh Gia Lai bị Hiệu trưởng hăm dọa, sau khi quý thầy lên tiếng về
các sai trái.
Sao nỡ để cõi này, cõi nước Việt này, nơi Miền Tây Nam Bộ và miền
Tây Nguyên núi rừng, là chỗ để các quan quyền gây thiệt hại cho quý
thầy cô.... chỉ vì lỗi từ các quan quyền?
Báo Tuổi Trẻ hôm 9-1-2014 viết:
“Gần 90 giáo viên cùng lúc mất việc
Ngay trước Tết Nguyên đán, 87 giáo viên các cấp học của huyện Tân
Hiệp (Kiên Giang) nhận được thông báo phải nghỉ việc. Đây là số giáo
viên mà các trường trong huyện tự ký hợp đồng ngoài biên chế.
Chiều 8-1, ông Đặng Công Huẩn - bí thư Huyện ủy Tân Hiệp - đã chủ trì
cuộc đối thoại giữa lãnh đạo, ban ngành huyện với 87 giáo viên trong
diện bị buộc phải chấm dứt hợp đồng từ tháng 1-2014.
Cô Đặng Thị Kim Loan, giáo viên Trường THCS Tân Thành, bức xúc cho biết
cuối tháng 12-2013, ban giám hiệu nhà trường mời lên họp và thông báo
nội dung vắn tắt sẽ ngưng hợp đồng với mình vào ngày 31-12-2013.
Trong khi suốt ba năm làm giáo viên hợp đồng tại trường, bản thân cô
không hề vi phạm bất cứ điều gì. Tương tự, cô Đinh Thị Thư - giáo viên
phụ trách thư viện Trường THCS Tân Hội - cho hay được hiệu trưởng mời
lên thông báo ngưng hợp đồng và đã chính thức nghỉ việc từ đầu
tháng 1-2014 mà chưa hề nhận được quyết định bằng văn bản.
Cô Trần Thị Kim Thanh bức xúc nói: “Nếu xét thấy chúng tôi không đủ
năng lực, trình độ thì chỉ cần sau ba tháng thử việc nhà trường đã
có thể cắt hợp đồng. Đằng này chúng tôi đã tham gia công tác, giảng
dạy, gắn bó với học sinh, trường lớp từng ấy năm, nay đột nhiên bị
cho thôi việc mà không hề có lý do thuyết phục”.
Cô Nguyễn Thị Phương Anh - giáo viên Trường tiểu học Tân An 2 - nghẹn
ngào: “Năm năm nay tôi vừa dạy vừa cố gắng học liên thông lên đại học
với mong muốn được cống hiến, được gắn bó với nghề giáo. Hai lần
tôi đăng ký thi tuyển vào biên chế nhưng đều không được xét, trong khi
một số giáo viên được đưa từ nơi khác về. Bây giờ vì lý do tôi chỉ
là giáo viên hợp đồng, không có biên chế mà buộc nghỉ, phải thất
nghiệp thì làm sao sống nổi”.
Cũng theo trình bày của các giáo viên, do lao động hợp đồng ngoài
biên chế nên nhiều năm nay họ không được tăng lương, do đó mức thu nhập
rất thấp. Giáo viên trực tiếp đứng lớp lương chỉ 2,4 triệu
đồng/tháng, còn trường hợp phân công làm nhân viên thư viện hay y tế
thì thu nhập chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng...”(ngưng trích)
Trong khi đó, báo Tầm Nhìn có bản tin tưạ đề “Hiệu trưởng
"doạ" người cung cấp thông tin cho báo chí?” kể rằng:
“Trưa ngày 27/12/2013, sau buổi trao giấy khen học sinh cuối học kỳ 1,
ông Nguyễn Văn Hoè, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã
Chơro Pơnan, huyện Phú Thiện tập trung họp khẩn yêu cầu 2 giáo viên là
Ksor H’Nhim và Ksor H’Nhi kiểm điểm về nội dung đã cung cấp cho báo
chí.
Đặc biệt là về thông tin báo điện tử Tầm Nhìn đã đăng tải về hàng
loạt sai phạm trong thu chi ngoài ngân sách của ông Nguyễn Văn Hoè,
Hiệu trưởng nhà trường.
Tại cuộc họp này, giáo viên Ksor H’Nhim và Ksor H’Nhi khẳng định: nội
dung thông tin cung cấp cho cơ quan báo chí là đúng sự thật và đã
được báo điện tử Tầm Nhìn phản ánh cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù
hoàn thành nhiệm vụ nhưng giáo viên Ksor H’Nhi bị chèn ép không cho
nâng lương trong hơn 7 tháng qua...”(ngưng trích)
Than ôi, bất công hằn là thời nào cũng có, nhưng sao thời này nỗi oan
lên tới ngất trời như thế. Những cống hiến hy sinh của thầy cô bao
nhiêu năm, những sự thật thà chất phác của thầy cô trong giao tiếp...
không mang tới kết quả đẹp nào hay sao?
Ai bảo cõi này là thiên đường đâu nhỉ.