Học là nỗ lực trong khát vọng đổi đời của hàng chục triệu người
trẻ Việt Nam, nơi các thế lực trong guồng máy nhà nước đã bít kín
hầu hết mọi ngõ ngách tiến thân của những người ở ngoài các dòng
họ công thần thế giá.
Do vậy, học -- bên cạnh đam mê mở mang kiến thức -- trở thành bậc
thang thăng tiến cho mình, cho gia đình... Nhưng vấn đề là, lại có chuyện
có học thật, học giả.
Trong khi báo Thanh Niên kể về một xóm cử nhân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng),
hãng tin Infonet kể chuyện Phó Hiệu trưởng Trường Đại học BKHN lại
bể chuyện viết luận án bằng cách chôm gần 100% nội dung của người
khác.
Than ôi, đất nước tới bao giờ khá nổi, khi người có quyền cấp văn
bằng lại là học dỏm, còn người nhận văn bằng lại là học thiệt.
Báo Thanh Niên có bài về “Xóm cử nhân” kể rằng:
“Xóm 3, thôn 8, xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) được mệnh danh là
“xóm cử nhân” bởi chỉ gần 100 nhân khẩu nhưng có đến 42 người đã và
đang học đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Đam B’ri cho biết: “Người
dân xóm 3 chủ yếu đến từ các nôi hiếu học như Hà Tây, Nghệ An, Hà
Tĩnh…, họ đều sống bằng nghề nông, kinh tế còn nhiều khó khăn thiếu
thốn”. Hiện toàn xóm có 24 gia đình với gần 100 nhân khẩu nhưng có
đến 42 người đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong
cả nước; trong đó có 25 người đã tốt nghiệp đại học. Đặc biệt,
nhiều gia đình trong xóm có tới 3 - 4 người con nối tiếp nhau học đại
học.
Quanh năm suốt tháng phải bám với ruộng vườn, người dân ở đây suy
nghĩ: chỉ có việc học mới giúp được con em mình thoát đi cái vất
vả, nghèo khó của nghề nông. Ông Lê Minh Tiến, một trong những gia
đình có 4 người con học đại học, tâm sự: “Thấy mình làm nông vất
vả, nên lúc nào trong tư tưởng vợ chồng tôi cũng xác định chỉ có sự
học mới giúp con mình thay đổi được cuộc sống. Hơn 10 năm liền nuôi
các cháu ăn học đại học, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn đủ thứ. Vất
vả là thế, nhưng khi thấy các con trưởng thành có kiến thức, trình
độ chúng tôi thật sung sướng vô cùng”. Hiện “xóm cử nhân” này có tới
90% gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học”. Hầu hết sinh viên
ra trường nay đã có công ăn việc làm ổn định...”(ngưng trích)
Có phải là tuyệt vời chăng, khi trong xã hội mà người người đều mê
học, nhà nhà đều khuyến khích nhau đi học mãi...
Trong khi đó, thông tấn Infonet trong bài viết tưạ đề “Nghi án Hiệu
phó đạo luận án: ĐH Bách khoa nói gì?” đã kể:
“...Trước thông tin PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường
Đại học BKHN bảo vệ luận án năm 1996, chép lại gần 100% nội dung
trong luận án PTS khoa học của PGS. TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ
năm1986, chiều ngày 7/1, PV Infonet đã tìm đến Trường Đại học Bách
khoa Hà Nội (BKHN) để tìm hiểu vụ việc.
Được biết, đây là nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành,
giảng viên bộ môn Hàn, Viện Cơ khí Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong đơn, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, luận án Tiến sĩ khoa học
Toán – Lý của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại
học Bách khoa Hà Nội được bảo vệ năm 1996, chép lại gần 100% nhiều
nội dung trong luận án PTS khoa học của PGS. TS Đặng Văn Khải, được
bảo vệ năm 1986...”(ngưng trích)
Chuyện tố cáo ông giáo này đạo văn có đúng hay không lại là việc
cần để điều tra. Nhưng chuyện này đã xảy ra rất nhiều với nhiều
trường hợp trong nhiều năm qua.
Đất nước cần những học giả Chu Văn An thật, không cần các kép hát
đóng vai cụ Chu Văn An lên ngôi quan quyền...
Nếu việc này không nghiêm, xã hội làm sao mà thăng tiến nổi... Nói gì
so với Hàn quốc, Thái Lan, Nhật bản?