Hôm nay,  

Biết Sợ Nhân Quả

13/08/201300:00:00(Xem: 10178)
Khi một xã hội nhìn đâu cũng thấy bạo lực, tất sẽ có nạn nhân là toàn dân, bởi vì không ai hưởng lợi an bình từ một xã hội như thế.

Khi một xã hội trở nên tàn bạo với tất cả những người vô cớ ngoaì phố -- như những chuyện cướp giựt, gian lận ở bệnh viện, móc nối ăn tiền cò ở nhà trường, chặt chém ở tiệm ăn vô tội vạ, chia phố bảo kê níu kéo khách khàng, vân vân... -- tất sẽ không có ai là bên thắng cuộc cả.

Nghĩa là, tất cả đều là bên thua cuộc. Vì cả dân tộc, cả xã hội đều dìu nhau vào chỗ hành hạ nhau, làm khổ nhau.

Do vậy, sự thật là, khi một người kiếm tiền bằng cách gian lận thế nào đó, thì vợ con và bà con và làng xóm của họ sẽ là nạn nhân dây chùm, dây chuyền...

Xã hội Việt Nam bây giờ buồn như thế.

Nhà văn Minh Mẫn viết trên mạng Chùa Phúc Lâm một bài, có tít "Những vấn đề xã hội nhức nhối và đạo đức nhân quả" nhìn về khía cạnh nhà Phật, cũng có điểm cảnh báo, trích dẫn sau:

"Ngày nay, trên các trang mạng cũng như báo giấy, tin tức xã hội đều phản ảnh quá nhiều tệ nạn: giết người, sát sanh hại vật, trộm cướp, tham ô, bạo hành gia đình, bạc đãi trẻ con, thực phẩm độc hại, con người vô cảm trước mọi tai nạn đau thương.... Người quan tâm xã hội đành bất lực, an ninh trật tự xã hội cũng bó tay.

Tuy trong chiến tranh, cả hai miền Nam - Bắc chưa xuất hiện nhiều tệ nạn như thế, có lẽ do tuổi trẻ được chiến tranh tận dụng; phía Bắc sống theo tem phiếu, xã hội được kiểm soát chặt chẽ, vì thế khó mà tràn lan tội phạm. Miền Nam tuy không bị chi phối bởi tem phiếu, tệ nạn cũng có, nhưng được khoanh vùng ở một mức độ vừa phải, vì thế cuộc sống người dân ít bị đe dọa.

Ta thử xem lại những cộng đồng các tôn giáo: trong vùng các giáo xứ, trong cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, trong các đạo tràng tu tập của các chùa... không hề, nếu nói là không đáng kể những tình trạng quá đáng như đã và đang xẩy ra trong xã hội. Tại sao?

Theo quan điểm cực đoan thì tôn giáo là thuốc phiện, ru ngủ quần chúng, đánh mất nghị lực đấu tranh trong xã hội; vì vậy, đấu tranh giai cấp và đạo đức cách mạng thay thế tín ngưỡng tôn giáo, lao động hóa toàn bộ xã hội, tăng gia sản xuất cung ứng cho chiến tranh, vì thế, thế hệ sau 1954 phía Bắc không còn biết tôn giáo là gì, xem là tổ chức xa lạ cản bước tiến của xã hội; chỉ những tín đồ trong các giáo xứ được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ của các linh mục, giám mục, ông trùm, họ mới giữ được tín ngưỡng riêng của mình. Mỗi tôn giáo đều có cách giáo dục tín đồ theo cách riêng, nhưng dù cách nào thì vấn đề thiện, bác ái, từ bi, tình thương vẫn là cốt lõi của giáo dục tín ngưỡng.

Ở miền Nam, trong học đường từ lúc mầm non, cấp tiểu học, học sinh được thầy cô dạy lễ phép đứng đầu. Học sinh được dạy lịch sử các đấng tiền nhân khai sơn lập quốc để biết tôn trọng, tri ân; biết tôn trọng người quá cố khi xe tang đi qua phải ngả nón chào; biết hiếu kính ông bà cha mẹ; biết tôn trọng người lớn tuổi; biết giúp đỡ chia sẻ cuộc sống chung quanh; ngay cả "chị ngã em nâng" và sự nhường nhịn cũng được truyền trao; thương người như thể thương thân...

Như vậy, cơ bản vẫn là giáo dục học đường và giáo dục gia đình giúp cho trẻ con biết lễ nghĩa trước khi biết đến văn chương, kiến thức khác.

Ngày nay, đất nước ổn định, nhưng cuộc sống cấp bách, chạy đua với kinh tế và dân số gia tăng, cha mẹ cũng muốn dạy con nên người, nhưng ảnh hưởng xã hội quá mạnh, một khi xã hội du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau qua thông tin mạng không được chọn lọc; cuộc sống chật vật vì áp lực kinh tế nên cha mẹ ít có thời giờ chăm sóc con. Cũng không thiếu các đại gia dư thừa của ăn của để mà con vẫn hư là vì cha mẹ chạy theo lợi nhuận kinh doanh, áp phe làm kinh tế, không có thời giờ dành cho con, cứ nghĩ chu cấp tiền bạc vật chất đầy đủ là xong bổn phận. Nhất là thời đại @ ngày nay, liên thông toàn cầu lẫn lộn tốt xấu, mà trẻ con có khuynh hướng tiêm nhiễm xấu dễ hơn cái tốt. Những trò chơi bạo lực trên mạng đã giáo dục con em thành kẻ hiếu sát.

Một sự tiềm ẩn vô hình ít ai thấy được, đó là máu sát sanh. Sát sanh vì thú vui như các lễ hội phía Bắc, sát sanh vì tham lợi như giết mổ, sát sanh vì thực dục cầu kỳ như khỉ, gấu, rùa và các loại thú quý hiếm... Ngày nay, từ Bắc chí Nam mỗi ngày hàng vạn con chó bị sát hại; trâu bò heo gấu cũng không thoát khỏi bàn tay đồ tể. Có tiền là có quyền hưởng thụ, hưởng thụ một cách vội vã, có lẽ đắp bù vào một quá khứ chiến tranh nghiệt ngã, mà phần lớn người hưởng thụ sa đọa là người không có tín ngưỡng hoặc tín ngưỡng theo truyền thống thiếu nhận thức.

Những uất khí do nghiệp sát như thế bao trùm trong cuộc sống thì nạn tai và bạo hành không thể không xẩy ra. Giết hại vì thực dục, uống máu loài vật bị sát hại không gớm tay và có vẻ thích thú, thì lúc nóng giận, bản chất hiếu sát kia làm chủ ý thức, sẵn sàng sát hại đối thủ một cách dễ dàng vì những chuyện không đáng manh động. Đó là quy luật Nhân-Quả tự nhiên..."(ngừng trích)

Bạn có thể đọc toàn văn ở mạng Chùa Phúc Lâm: http://chuaphuclam.vn -- đúng là đáng sợ vậy. Phải biết sợ nhân quả vậy.

Nhà văn Minh Mẫn nhìn về phương diện nhân quả Phật Giáo, nhưng chúng ta có thể thấy nhân quả trực tiếp hiện đời: xã hội bạo lực sẽ làm mất lòng nhân, và do vậy sẽ tác hại tất cả.

Phải biết sợ vậy. Không có gì qua được luật nhân quả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.