Hôm nay,  

Văn Học Cho Tuổi Trẻ...

17/11/201200:00:00(Xem: 5216)
Bạn thân,
Một thời, chúng ta say mê truyện kiếm hiệp, say mê những mối tình của Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong, Đoàn Dự... trên đường hành hiệp, và rồi kinh ngạc trước những diễn biến phức tạp, tuyệt vời của cuộc đời.

Thế giới chúng ta thực ra lúc đó chỉ là những lối chạy xe đạp trong vùng Bàn Cờ, hẽm Nguyễn Thông nối dài, đường Tú Xương lá me bay.... và một thế giới sách vở do Kim Dung mang tới.

Chúng ta đã cất cánh bay với những bước phi thân của các nhà sư Thiếu Lâm trên ngọn Thiếu Thất, mê mẩn khi nghe nói về phong cách uống rượu của Lệnh Hồ Xung, hồi hộp khi đọc tới chỗ cô Chu Chỉ Nhược ôm Trương Vô Kỵ và vung kiếm theo chiêu Đồng Sinh Cộng Tử để cả hai sẽ cùng chết đứng trong tư thế ôm nhau trước mắt của hàng trăm cao thủ võ lâm...

Nhưng bây giờ thì khác. Tuổi trẻ bây giờ có thế giới khác. Rất nhiều em say mê nền văn học được gọi là ngôn tình, dịch từ truyện Tàu. Bản tin VietnamNet ghi nhận:

“Sách "sến Tàu" ru ngủ giới trẻ Việt?

Từ lứa tuổi 14-15, không ít các em nữ đã bắt đầu đọc truyện ngôn tình và dần dần mê đắm.

Ngôn tình phủ sóng dày đặc, nhưng khó thống kê (?!)

Thực tế khảo sát gần đây về cuốn sách yêu thích với 200 em học sinh cấp 2 (trường Trưng Vương và Lê Ngọc Hân, Hà Nội) cho thấy sự xuất hiện các loại sách tình cảm ở mức độ phức tạp hơn trong tủ sách yêu thích của các em gái lớp 8 lớp 9. Những cuốn sách được các em nêu tên gồm có: "Thục nữ PK xã hội đen", "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên", "Bên nhau trọn đời”...


Bắt đầu từ lứa tuổi này (và có thể sớm hơn), các em có sự tò mò về cảm xúc giới tính, dẫn đến việc tìm đọc những truyện tình cảm nhan nhản trên thị trường, trong đó phần lớn là truyện ngôn tình Trung Quốc....

Teen Việt mê mẩn Hán văn đến mức nói chuyện theo kiểu Hán văn, mò mẫm đọc bản dịch máy, sách dịch mà thuần Việt quá thì chịu không nổi.

Thay vì "con trai", "con gái" thì gọi là "nam nhân", "nữ nhân"; độc giả nữ - đối tượng chính của ngôn tình - tự xưng mình là "thục nữ", "sắc nữ", "trạch nữ", "hắc thị thục nữ". Dịch giả Đào Bạch Liên cho biết, "Bộ bộ kinh tâm" (một bản dịch kì công và nghiêm túc) bị độc giả xem là quá thuần Việt - và chị không thể dịch Việt hóa hơn. Có thể thấy mức độ "ngấm" Hán văn của độc giả ngôn tình thực sự rất cao...”

Thế nào nhỉ, hình như chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nổi chuyện này. Tất nhiên, thế hệ trẻ em này khác chúng ta nhiều lắm: thời này các em có điện thoạị di động, có Internet... và có sở thích văn học khác chúng ta.

Chuyện này có hại gì không? Có lẽ chúng ta rồi cũng chưa đo lường hết ảnh hưởng này. Cũng cần quan sát kỹ vậy...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.