Hôm nay,  

Cuộc Chiến "ốc Bươu Vàng"

15/06/199900:00:00(Xem: 7295)
Bạn,
Cách đây vài năm, nông dân miền Tây (Đồng bằng sông Cửu Long: ĐBSCL) khốn đốn vì nạn ốc bươu vàng. Các địa phương tập trung diệt trừ loại ốc tai hại này. Đại nạn được tạm thời ngăn chặn. Nông dân tưởng có thể xoa tay thở phào vì tránh được một hiểm hoạ cho cây lúa. Thế nhưng đầu năm nay, nhiều đồng lúa lại xuất hiện Ốc bươu vàng và đang có nguy cơ trở thành đại dịch. Những tuần vừa qua, dân miền Tây phải dồn nỗ lực cho "mặt trận chống họa ốc bươu vàng". Cuộc chiến về đại nạn này được báo Sài Gòn ghi nhận như sau:
Cuối năm 1989, đầu năm 1990, chỉ vì một chút thiếu thông tin mà tỉnh Kiên Giang đã rước hoạ vào thân bằng một quyết định cho phép Cty liên doanh Cao Hùng - Đài Loan được nuôi thí nghiệm OBV tại hai khu vực Kinh 9, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp và khu vực sân bay Rạch Sỏi, thị xã Rạch Giá. Như một thảm hoạ, OBV từ chỗ chỉ có vài chục nghìn con, sau đó chúng sinh nở, lan rộng và bắt đầu cắn phá lúa với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Thống kê tại Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang: Năm 1994, cả tỉnh chỉ có 195,5ha bị nhiễm OBV, đến vụ đông xuân 1995 - 1996, diện tích bị nhiễm lên đến 26.726ha, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.

Đến thời điểm này, không chỉ có Kiên Giang, phần lớn các tỉnh trong khu vực miền Tây lại xuất hiện và có nhiều nơi đang có chiều hướng phát triển thành dịch tấn công mạnh vào các trà lúa. Ở Cà Mau, chưa có năm nào bị nhiễm Ốc bươu vàng (OBV) nặng nề như năm nay. Đi thành thị đến nông thôn, đâu cũng thấy OBV, OBV có mặt trong các ao đìa chung quanh nhà, có mặt trong các hồ cá công viên thành phố, nổi linh binh trên mặt nước, trứng ốc thì bám đỏ các cọc cây, cọng cỏ. Tính đến 20.5.1999, toàn tỉnh đã bắt được 1.841.182kg ốc, trên 12.000ha lúa bị cắn phá. 765ha lúa bị thiệt hại nặng. Còn ở Trà Vinh, theo tổng hợp báo cáo từ các huyện, lúc cao điểm vào giữa tháng 5.1999, cả tỉnh có 1.188ha lúa hè thu bị nhiễm OBV. Mật độ phổ biến từ 10-15 con/m2, có nơi lên đến vài chục con/m2. Thiệt hại do OBV cắn phá lúa trung bình từ 20-40% diện tích, cá biệt nhiều nơi lên đến 70-80%. Tại huyện Tiểu Cần, Châu Thành... nhiều nông dân phải mua hoặc vay mượn giống để sạ lại. Ông Nguyễn Văn Hùng - một nông dân ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) - ngậm ngùi nói: Tui sạ 1 công lúa hè thu (0,1ha), lúa đang xanh tốt. Bận việc nhà chỉ vài ngày không ra thăm đồng, OBV đã cắn phá tan hoang, đám lúa chỉ còn lồi lõm không ra gì. Chắc tui phải bỏ vậy luôn chứ không còn đủ giống để sạ lại!ọ. ở ấp Bình Minh II, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), anh Ba Tùng than thở: gia đình chỉ có 4 công đất, nhưng mỗi ngày bắt được từ 160 đến 175kg OBV và nhiều nông dân xung quanh có người bắt đến gần 2 tấn ốc trên 2ha ruộng...
Bạn,
Theo báo trong nước, hiện nay, biện pháp loại trừ ốc bươu vàng là vấn đề nhức đầu đối với nông dân và các chuyên viên ngành nông nghiệp. Ngoài cách bắt thủ công, các chiến dịch huy động vài chục đến cả trăm người ra đồng thì đến nay chưa có cách nào tốt hơn. Còn biện pháp dùng thuốc hoá học thì quá tốn kém. Báo trong nước đưa ra những biểu số như sau: Dùng thuốc Deadline Bullets (Deadline 40%) với liều lượng từ 10 đến 15kg/ha, mỗi kilôgram giá từ 70,000 đến 100,000 đồng. Một hecta phải tốn từ 700.000 đến 1.000.000 đồng trong khi kết quả chỉ đạt khoảng 70%. Chi phí như thế người nông dân chỉ biết chào thua!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.