Hôm nay,  

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

31/01/200600:00:00(Xem: 6118)
Bạn,

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả, với màu sắc rực rỡ, cách bài trí độc đáo mang nhiều ý nghĩa sâu sắc làm cho không khí Tết trở nên thiêng liêng hơn, nhiều sắc màu hơn. Mâm ngũ quả không chỉ khiến quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, mà còn mang ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết, cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình người Việt mang theo khi bước vào năm mới. TTXVN ghi nhận về ý nghiã của mâm ngũ quả ngày Tết như sau.

Theo quan niệm của người phương Đông, thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên - gọi là "ngũ hành": kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Hình ảnh "ngũ hành" xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều hình thức thể hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam. Thêm vào đó, người Việt từ bao đời nay cho rằng "quả" (trái cây) được xem như biểu tượng của thành quả lao động trong suốt một năm. Người xưa chọn 5 loại trái cây để thờ cúng Tết với ngụ ý rằng: những sản vật này được kết tinh từ công sức của người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Ở một đất nước bốn mùa hoa trái như Việt Nam, hoa quả còn được xem là lộc của thiên nhiên, đất trời.

Đã gọi là "ngũ quả" thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt thường được xếp kiểu hình tháp, bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Tất cả các loại quả có trong dịp Tết đều có thể đem bày mâm ngũ quả: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo... Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu biểu thị cho sự căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.

Ở các vùng, miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau nhưng nét chung là đều rực rỡ nhiều màu sắc. Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam, với những loại quả bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Mâm ngũ quả miền Nam thì không thể thiếu cặp dưa hấu và những loại quả mãng cầu (na), sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà theo quan niệm của các bà "cầu - sung - vừa - đủ - xài".

Bạn,

Cũng theo TTXVN, vài năm gần đây, mâm ngũ quả cúng Tết cũng có nhiều thay đổi, không còn là "ngũ quả" nữa mà nhiều khi trở thành "lục, thất, bát... quả", vì bên cạnh những loại quả "cây nhà lá vườn", còn có thêm những trái cây như: nho, lê, táo... tùy theo quan niệm và túi tiền của mỗi gia đình..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.