Hôm nay,  

Nỗi Lo Mùa Nước Kém

19/09/201000:00:00(Xem: 2585)

Nỗi Lo Mùa Nước Kém

Bạn,
Theo báo Sài Gòn, với miền Tây Nam phần, mùa nước nổi là một "đặc sản". Thông thường, từ tháng 7 âm lịch, con nước từ thượng nguồn theo sông Tiền, sông Hậu đổ về ngầu đỏ, mang theo phù sa đắp bồi châu thổ và cơ man tôm cá. Năm nay, đã sắp sửa rằm tháng 8 âm lịch, cận kề đỉnh lũ mà con nước vẫn còn kém. Các làng nghề chài lưới, làm lưỡi câu, lờ, lợp trông đứng ngóng ngồi vì mất cơ hội làm ăn.  Báo SGGP ghi nhận về hiện trạng này qua bản tin như sau.
Tại  miền Tây, người dân ở vùng đầu nguồn như Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Châu (An Giang) lo lắng nước về ít nên tôm cá cũng lèo tèo, bữa có bữa không. Ngay cá linh và bông điên điển - hai "biểu tượng" của mùa nước nổi - giờ đây cũng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Nhưng đó cũng chỉ là những nỗi lo thường nhật. Sâu xa hơn là câu chuyện biến đổi khí hậu. Nhiều nhà khoa học ở  miền Tây cho biết mực nước năm nay có thể thấp hơn cả mức thấp lịch sử năm 1992. Nước về chậm không chỉ là vấn đề riêng của  miền Tây Nam phần mà là chuyện chung của các quốc gia khác như Thái Lan, Lào, Campuchia... Nguyên nhân, do năm nay mưa trễ, dẫn đến nước về muộn. Từ đầu mùa mưa đến nay chỉ mới có 5 cơn bão xảy ra và những cơn bão này đều hướng lên phía Bắc, ít gây mưa lớn ở khu vực hạ Lào (45% lượng nước đổ về sông Mêkong được cung cấp từ vùng hạ Lào).


Ở khu vực miền Tây Nam phần, nước về ít, lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng cũng ít đi, ảnh hưởng đến năng suất lúa và hoa màu của cả khu vực. Nước về ít, khả năng vệ sinh đồng ruộng tự nhiên bị hạn chế, làm tăng nguy cơ về các loại dịch bệnh. Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất lúa không thể tránh khỏi, kể cả những vùng có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Lượng nước ngọt ít, không đủ để đẩy nước mặn đi, đồng nghĩa với việc nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội đồng trong năm tới. Khi xâm nhập mặn đi vào sâu hơn và sớm hơn, thời gian canh tác hai, ba vụ trong năm như trước đây cũng chưa chắc đã còn như trước. Đây mới là hai ví dụ chỉ ra rằng hệ thống canh tác sẽ bị xáo trộn. Cả sản xuất công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tốn kém hơn bởi nguồn nước ngọt cung cấp cho các khu công nghiệp sẽ khan hiếm hơn. Bên cạnh đó, còn phải tính đến những tác động lên cơ sở hạ tầng đô thị, lên các tuyến dân cư và cụm dân cư.
Bạn,
Báo SGGP cho biết, theo các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, sự thay đổi của các biến số thời tiết sẽ gây ra thiệt hại về sản lượng lương thực khoảng 15% ở các vùng cần tưới tiêu và 24% ở các vùng ngập mặn. Đối với nghề nuôi cá tra thâm canh nước ngọt và nuôi tôm ở vùng ven biển, mặc dù tác hại không rõ rệt bằng nghề trồng lúa nhưng cũng chịu tác động gián tiếp. Theo dự báo, những tác động bất lợi này sẽ còn gia tăng lên cùng với dự báo biển dâng và tăng tần suất bão, lũ, xâm nhập mặn và thay đổi động thái của phù sa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.