Hôm nay,  

Di Tích Đá Nổi

03/09/200700:00:00(Xem: 3368)

Bạn,

Theo ghi nhận của báo quốc nội, tại miền Tây Nam phần, Kiên Giang là địa phương có nhiều di tích khảo cổ thuộc văn hóa Óc Eo, trong đó di tích Đá Nổi thuộc xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp vẫn còn nhiều bí ẩn. Người dân ở đây rất tự hào về vùng đất này bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật minh chứng cho nền văn hóa cổ xưa. Báo điện tử CA Sài Gòn ghi nhận về di tích này qua đoạn ký sự như sau.

Địa hình nơi đây là khu ruộng thấp nhưng ngay giữa cánh đồng lại nổi lên những gò đá khổng lồ. Dân  địa phương đã cho xây dựng ngôi chùa Bửu Lâm Sơn Tự ngay trên khu đá nổi. Di tích này được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Milleret phát hiện năm 1944 và được Viện khoa học xã hội TPSG kiểm chứng năm 1990. Tại khu vực này người ta tìm thấy nhiều phế tích gạch đá xây trên các gò đất, những cọc gỗ, các di vật như bàn nghiền, con lăn, yoni, thần Visnu.. Xung quanh khu vực chùa Bửu Lâm, ngoài lớp gốm cổ dày lộ thiên, người dân còn đào được nhiều đồ trang sức quý được chế tác bằng vàng bạc, đá quý. Những cổ vật thu được đã minh chứng di chỉ Đá Nổi thuộc nền văn hóa Óc Eo có niên đại từ năm 575 - 590 sau Công nguyên.

Năm 1995, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật một ngôi mộ cổ ký hiệu: ĐN.95-M1 và một di chỉ ký hiệu: ĐN-95-H1. Thành mộ được xây bằng đá khối loe dần tới miệng, có lớp cát trắng đổ dày dưới đáy mộ, loại cát này không hề có ở địa phương. Tại các hố cũng thu được nhiều mảnh gốm cổ dày 0.6 - 0.8m. Các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều linh vật quanh khu mộ như Linga bằng đá cao 60cm, Yori bằng đá, tượng bị cụt đầu, 2 chày nghiền và 2 hạt chuỗi đá. Ngoài ra còn có 196 cục gạch bằng đất sét và đất bùn với nhiều kích cỡ, 20 mảnh ngói, 35 cục đất nung, 62 vòi đất nung, 14 nắp đậy bằng gốm, 1 bàn đập hoa văn, 2 rọi xe chỉ, 2 vò gốm nhỏ, 2 bát chân cao bằng gốm, 3.918 mảnh gốm. Tất cả các hiện vật trên đang được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Kiên Giang. Các hiện vật thu được cho thấy kiến trúc thời kỳ này thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Nghệ thuật tạc tượng cũng rất phát triển, nghiêng về hình tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Điểm đặc biệt là có rất nhiều chữ viết trên các cổ vật, đây là loại chữ Phạn ở thế kỷ V- Ấn Độ cổ đại.

Bạn,

Cũng theo báo điện tử CA Sài Gòn, di tích Óc Eo ở Kiên Giang còn khá lớn và đa dạng nhưng chưa được khai quật hết. Di chỉ Đá Nổi hiện vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà khoa học ưa tìm tòi, khám phá.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.