Hôm nay,  

Nước Ngầm Cạn Kiệt

13/04/200700:00:00(Xem: 2782)

Bạn,

Theo ghi nhận của báo quốc nội, nguồn nước ngầm ở  Thành phố Sài Gòn đang ngày càng cạn kiệt do nạn khoan giếng tràn lan. Mỗi ngày toàn thành phố khai thác nước ngầm khoảng 2.5 triệu mét khối, nhưng trữ lượng khai thác an toàn chỉ cho phép chưa đầy 1/3, khoảng 800 ngàn mét khối/ ngày-đêm. Dự báo trong vài năm tới nguồn nước ngầm quý giá này sẽ cạn. Báo Người Lao Động ghi nhận những nguy cơ từ thực trạng này như sau.

Thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường TPSG cho thấy  toàn thành phố đang "gánh" khoảng 100 ngàn giếng khoan khai thác nước ngầm với đường kính và độ sâu khác nhau.  Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản của sở này cho biết: Các kim loại nặng như nitơ, clo đang gia tăng, nguồn nước ngầm đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm không kém nước bề mặt. Kết  quả nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường TPSG cho biết các tầng chứa nước ngầm ở TPSG đang tụt giảm nghiêm trọng. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm tụt giảm 1.5 m đến 2 m. Liên đoàn Địa chất Thủy văn- Địa chất Công trình miền Nam ghi nhận  rằng  mực nước ngầm hạ thấp tùy theo từng địa điểm; ở Bình Chánh, Nhà Bè mỗi năm giảm từ 0,5 m đến 0,77 m; ở huyện Củ Chi mỗi năm cũng giảm khoảng 0,8 m. Song song với đà tụt giảm nước ngầm là sự xâm nhập mặn và sụt lún bề mặt gia tăng.

Theo các chuyên viên của Liên đoàn Địa chất Thủy văn- Địa chất Công trình, trong 5 tầng nước ngầm thì chỉ có 2 tầng phù hợp khai thác dùng cho sinh hoạt và công nghiệp. Nước ngầm thuộc diện tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng sự tái tạo đó phụ thuộc vào cấu trúc môi trường vì nước ngầm rất nhạy cảm với môi trường "Với kiểu khai thác quá độ như hiện nay thì việc cạn kiệt trong mươi năm tới là điều đã được dự báo", các chuyên viên nhận định như thế. Các nhà khoa học cho biết cách đây 20 năm, một số nơi tại  Thành phố Sài Gòn khi mới khoan thì nước ngầm đã phun lên cao 2,3 m trên mặt đất. Nhưng ở những nơi đó hiện nay đã phải khoan sâu xuống 60 m, sức chảy vẫn ì ạch. Điều mà các nhà khoa học lo lắng nhất bên cạnh sự cạn kiệt là nguy cơ suy thoái nguồn nước.

Bạn,

Cũng theo báo Người Lao Động, các chuyên viên địa chất khẳng định nhiều trường hợp các lỗ khoan hỏng là nơi đổ nước thải, chất độc hại, nước mặn... sẽ phá hủy cả tầng nước ngầm đó. Sự suy thoái nước ngầm sẽ kéo theo một hệ quả rất nghiêm trọng: mất nguồn nước để sử dụng, sụt lún trên diện rộng và hàng loạt những bệnh tật do nguồn nước gây ra cho thực vật, động vật và con người. "Nhiều đô thị lớn đã biến thành bãi đất hoang vì cạn kiệt nguồn nước. Bài học của nhiều thành phố lớn trên thế giới đã là lời báo động cho TPSG trong việc sử dụng nước ngầm", một nhà nghiên cứu địa chất đã nhận định như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.