Hôm nay,  

Gánh Nước Đón Giao Thừa

25/01/200900:00:00(Xem: 3651)

GÁNH NƯỚC ĐÓN GIAO THỪA

Bạn,
Theo  các nhà nghiên cứu nhân văn, tại một số  làng quê  ở Việt Nam, vào dịp Tết, có những tục lệ đặc biệt, trong dó  có tục lệ gánh nước đón giao thừa. Nhà này gánh, nhà kia gánh, làng trên xóm dưới,dân làng quẩy thùng ra giếng gánh nước. Trong làng có vài ba giếng nước, đêm ba mươi trở thành địa chỉ cho những cuộc hàn huyên chuyện Tết. Báo Người Lao Động ghi lại tục lệ này qua  đoạn ký sự như sau.
Gánh nước đón giao thừa là công việc "hệ trọng" không thể quên, dù nhà nào có bận nấu bánh trái hoặc mổ heo, gà hay làm gì chăng nữa, trước giờ cúng giao thừa cũng phải cắt cử người lo gánh nước. Tập tục này có ý nghĩa cầu phúc cho một năm mới bội thu mùa màng, của cải làm ra tràn đầy như nước đổ vào nhà. Không hiểu tập tục đó có được xem là một mỹ tục hay không, có điều sức sống bền bỉ của nó xem ra ngang bằng với cái giếng cổ đã mấy trăm năm tuổi của làng.
Làng tôi (tác giả bài ký sự)  nằm sát ven sông, chuyên canh cây bông và dệt vải.  Đấy không chỉ là con đất màu mỡ phù sa, mà còn là nõn nà Tết, là ngan ngát tình yêu, là ngút ngàn những thanh âm ngày xưa mẹ tôi đã gieo cấy trên cánh đồng bông vải. Chỉ mỗi tiếng gáo dừa khua lanh canh vào mái nước là tôi lại gặp mẹ mình dậy sớm vo gạo thổi cơm trước mỗi hừng đông. Chỉ mỗi tiếng gàu va vào thành giếng khuya là tôi lại thấy em reo vui giữa hội hè cùng các chị, các cô gánh nước đón giao thừa. Và con đường làng thơm lừng hương nếp, bánh trái; vàng rực ven sông hoa cải, hoa dưa, hay hối hả chuyến đò ngang chiều ba mươi đưa người qua sông kịp về với Tết... Chỉ có cái thế giới huyền nhiệm ấy mới vẽ ra con đường làm nên cuộc hội ngộ với ngày xưa yêu dấu, mới đủ sức xóa nhòa tuổi tác, biến tôi thành thằng oắt con huyên thuyên nói cười đến cay xè con mắt chưa thôi.


Cứ mỗi lần Tết đến,những chiếc áo mới mẹ may cho chúng tôi mặc Tết là từ những cân sợi vải mẹ miệt mài bắn bông xe sợi và thức thâu đêm bên khung cửi. Cố nhiên là những tấm vải ta, vải thô, vải tám dệt ra là để chạy chợ bán buôn lo toan cơm áo trước hết, nên cái phần chắt chiu cho con một tấm áo Tết nào đâu phải dễ gì. Tuổi thơ tôi cứ hồn nhiên tung tăng áo mới đâu hiểu hết nỗi nhọc nhằn đời mẹ; đâu biết những ngày dài đạp nước - hồ sợi - xổ chẻ - đánh rời sợi phơi phóng cho khô rồi quay lại từng ống; đâu biết những đêm vắng lê thê, mẹ ngồi suốt bên khung cửi dệt với độc một ngọn đèn dầu.
Bạn,
Cũng theo  tác giả bài ký sự ,"cái làng bông vải đẹp như thi ca" ngày trước nay chẳng còn lưu lại mấy dấu vết, huống là cái giếng cổ nhỏ nhoi ở một góc bìa làng. Dù vậy, đến mùa nghe Tết gọi, người này vẫn đường quen về làng, và "đi loanh quanh trên cái nền giếng cỏ dại um tùm, nhìn giếng cổ giống như cụ già ẩn dật giữa hoang vu."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.